Luật quy định một cách toàn diện, cụ thể về phạm vi TNBTCNN trên các lĩnh vực quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án; trách nhiệm giải quyết bồi thường của các cơ quan nhà nước ở các ngành, các cấp; cơ chế giải quyết bồi thường theo yêu cầu của người bị thiệt hại và trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại.
Để đảm bảo cho Luật được thực thi đúng tiến độ, Thủ tướng Chính phủ đã ra chỉ thị cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tổ chức triển khai việc tuyên truyền, phổ biến Luật đến mọi tổ chức, cá nhân trong phạm vi Bộ, ngành, địa phương mình. Đối với cán bộ, công chức (CBCC), cần nâng cao tinh thần, trách nhiệm công vụ, đặc biệt là cần thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về chức trách của công chức.
Các Bộ, ngành, địa phương phân công theo dõi về trách nhiệm thực hiện việc giải quyết yêu cầu bồi thường để bảo đảm kịp thời giải quyết bồi thường theo yêu cầu của người bị thiệt hại. Đồng thời, xác định nhu cầu sử dụng kinh phí cho công tác bồi thường và lập dự toán ngân sách cho công tác này để bảo đảm nguồn kinh phí chi trả tiền bồi thường kể từ ngày Luật có hiệu lực thi hành.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp có trách nhiệm trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TNBTCNN, bảo đảm Nghị định có hiệu lực thi hành đồng thời với thời điểm có hiệu lực của Luật. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các cơ quan liên quan ban hành văn bản hướng dẫn giải quyết bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, thi hành án dân sự, hình sự và hoạt động tố tụng (tháng 11/2009).