Từ 15/9 cấm thả đèn trời

Từ 15/9 cấm thả đèn trời

Những người có công phát hiện, ngăn chặn việc sản xuất, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, đốt và thả đèn trời sẽ được khen thưởng.

Thủ tướng giao Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hướng dẫn việc thực hiện quyết định này. Đồng thời, các đơn vị này sẽ nghiên cứu đề xuất các biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với những hành vi vi phạm.

Để giáo dục thanh thiếu niên, học sinh sinh viên nhận thức những nguy hại của việc đốt, thả đèn trời, Thủ tướng giao Bộ Giáo dục Đào tạo chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn và các cơ quan liên quan.

Theo quyết định của Thủ tướng, UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm về sản xuất, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, đốt và thả đèn trời.

Trong dịp Tết Kỷ Sửu, riêng Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, và Quảng Ninh xảy ra 20 vụ cháy do sự cố cháy nổ do đèn trời gây ra. Nguy hiểm nhất là trường hợp đèn trời "hạ cánh" xuống các kho xăng dầu.

Đèn trời là sản phẩm văn hoá độc đáo, nguyên tắc hoạt động chung giống như khinh khí cầu cổ. Người ta làm một lồng kín bằng chất liệu giấy, vải. Bên dưới có một khay bấc, cháy nhờ mỡ. Ngọn lửa đáy lồng được đốt lên, không khí nóng đẩy chiếc đèn bay lên cao. Đến khi lửa tắt, đèn lồng mới rơi xuống.

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều đèn trời không rõ nguồn gốc, sản xuất không đúng kỹ thuật. Có chiếc đèn dùng giẻ xăng dầu để đốt, có chiếc dùng cả lốp xe ôtô làm nguyên liệu cháy nên khi thắp lửa, đèn không bay cao, mà lượn là là tầm vài chục mét. Thậm chí, lửa đốt cả lồng thành một ngọn đuốc rồi rơi xuống.