Từ 2017, Việt Nam bắt đầu thiếu than
Về phía cơ quan tư vấn lập Quy hoạch, ông Lê Văn Duẩn, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư mỏ và công nghiệp Vinacomin cho biết: Tổng trữ lượng than Việt Nam đã được điều tra, thăm dò tính đến hết năm 2014 là 46,96 tỷ tấn, trong đó, tài nguyên chắc chắn là 35,85 tỷ tấn.
So với quy hoạch, trữ lượng tài nguyên than thăm dò đã giảm 1,77 tỷ tấn. Mức tài nguyên giảm là do cập nhật lại kết quả từ đề án điều tra đánh giá tiềm năng than bể Đông Bắc dưới -300m. Còn các khu vực khác không thay đổi.
Cũng theo ông Duẩn, nhu cầu than cả nước trong quy hoạch điều chỉnh sẽ giảm trên 20% so với dự kiến ban đầu. Dù vậy, từ năm 2017, Việt Nam bắt đầu thiếu than cho nhu cầu trong nước. Đến năm 2020, nhu cầu than, đặc biệt là than cho nhiệt điện rất lớn, cần phải nhập khẩu một số lượng không nhỏ.
Liên quan đến việc cung ứng than cho ngành điện, ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhấn mạnh: Do lượng than cho phát điện chiếm tỷ trọng lớn trong tổng lượng than tiêu thụ nên Quy hoạch than cần phù hợp với quy hoạch phát triển điện.
Hiện nay, theo Tổng sơ đồ 7 (Quy hoạch điện 7) điều chỉnh, dự báo nhu cầu than trong nước rất lớn. Đến 2017, lượng than cho phát điện tính cả trong nước và nhập khẩu khoảng 38 triệu tấn than. Đến năm 2020, nhu cầu này sẽ lên đến 70 triệu tấn.
Riêng đối với than cung cấp cho nhiệt điện miền Nam, dù than trong nước hay than nhập khẩu đều chuyển qua cảng biển. Do đó, EVN đề nghị quy hoạch chú ý các cảng than trong khu vực than.
“Ngoài ra, trong quy hoạch than cần chú ý đến việc liên quan đến dự phòng những rủi ro, như trường hợp mưa bão ảnh hưởng đén việc cấp than cho miền Nam. Đồng thời, các nhà máy than cần có kho than dự trữ để sử dụng khi có sự cố”, ông Hải nói.