Tự tạo cơ hội: Khởi nghiệp từ nhãn Idor

 Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, vừa đậu THPT lại gặp lúc mẹ bệnh nặng, anh Khanh phải nghỉ học để phụ giúp cha việc đồng áng lo cho gia đình. Lúc này, phần diện tích đất khoảng 5 công của gia đình chủ yếu trồng lúa, rau màu cho thu nhập không đáng là bao nên anh nghĩ phải tìm một loại cây trồng nào đó phù hợp thổ nhưỡng, năng suất cao và đầu ra ổn định để cải thiện cuộc sống.

“Sau khi tham quan nhiều mô hình làm ăn, tôi thấy nếu trồng cây ăn trái trên diện tích lớn mà trúng mùa sẽ có thu nhập rất cao nên quyết định bàn với cha chọn cây nhãn Idor. Bởi loại nhãn này năng suất cao, ít bệnh chổi rồng, giá cả lại cao và khá ổn định”, anh Khanh kể.
 
Năm 2010, anh Khanh quyết định làm cuộc “cách mạng” trên mảnh đất của gia đình khi lên vườn 5 công đất ruộng, rồi mua 285 nhánh nhãn Idor về trồng. Theo anh Khanh, năm đầu trồng nhãn Idor do chưa nắm vững kỹ thuật nên cây chậm phát triển khiến anh rất lo lắng. Không nản lòng, anh Khanh tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc nhãn, đồng thời tăng cường đọc báo, xem đài, tìm hiểu thêm thông tin trên mạng để đúc kết kinh nghiệm cho bản thân. Anh Khanh chia sẻ: “Giai đoạn nhãn ra đọt non rất dễ bị bệnh cũng như côn trùng tấn công nên phải phun thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ đọt cây. Song song đó, cần bón thêm phân, bởi cây tốt sẽ kháng được sâu, bệnh nhưng cũng không nên dùng lậm thuốc”, anh Khanh nói.
Nhờ cách làm này mà vườn nhãn của anh Khanh phát triển xanh tốt, đến năm thứ 3 vườn nhãn cho trái và thu hoạch được hơn 10 tấn, giá nhãn hơn 20.000 đồng/kg, cao hơn nhãn tiêu da bò hơn hai lần lại được thị trường ưa chuộng nên đầu ra ổn định. Anh Khanh cho biết: “Năng suất nhãn Idor cao, mỗi chùm cho số lượng trái rất nhiều, chen chúc nhau. Nếu để như thế thì trái có khả năng bị sâu, thối hoặc không đồng đều.
 
Do đó, khi trái lớn gần bằng đầu ngón tay út tôi bắt đầu thuê người tỉa bỏ bớt nhằm chừa số lượng thích hợp giúp những trái nhãn còn lại to, hình dáng đẹp, màu sắc bắt mắt... bán được giá cao. Thu hoạch xong thì tiến hành tỉa bỏ những cành già, tạo tán cho cây. Điều quan trọng là người trồng nên đầu tư chăm sóc để cây khỏe và phun thuốc bảo vệ thực vật đúng kỹ thuật nhằm hạn chế bệnh trên cây nhãn”.
 
Anh Khanh kể, tháng 9.2015, anh thu hoạch vụ thứ hai được trên 12 tấn trái, thương lái đến tận vườn thu mua với giá 23.000 đồng/kg. Sau khi trừ hết các khoản chi phí, anh còn lời gần 200 triệu đồng.
 
Theo anh Khanh, năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi việc xử lý nhãn ra hoa đạt tỷ lệ trên 90%, nên vườn nhãn của anh năng suất dự kiến sẽ đạt không dưới 17 tấn. Chỉ sau 2 năm trúng nhãn Idor, gia đình anh Khanh đã mua được 2 công đất bên cạnh để tiếp tục trồng thêm nhãn.