Vẫn ham hố dự án lắm tiền nhiều của
LTS: Nhân chuẩn bị kết thúc năm 2013, năm được coi là năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2011-2015, Tuần Việt Nam có bài phỏng vấn chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan về những đánh giá của bà.
Sau phần 1, Tuần Việt Nam tiếp tục cuộc trò chuyện với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.
Giảm đầu tư công không phải do tái cơ cấu
Thế còn về tái cơ cấu nền kinh tế mà nhiều chuyên gia đã lên tiếng?
Đó chính là mối lo thứ ba của tôi.
Các báo cáo và thảo luận tại hai cuộc Diễn đàn Kinh tế Mùa Xuân và Mùa Thu do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức, một cuộc nhìn lại một năm tái cơ cấu, một cuộc nhìn lại việc thực hiện những đột phá chiến lược, đều cho thấy tiến độ thực hiện tái cơ cấu và các đột phá chiến lược còn quá chậm chạp. Có lĩnh vực chưa tiến triển bao nhiêu, có lĩnh vực thậm chí chưa đưa ra định hướng chung.
Ví dụ?
Đầu tư công. Đến nay vẫn chưa có đề án tái cơ cấu đầu tư công.
Trong ba đột phá chiến lược thì gần đây mới đưa ra chủ trương cải cách giáo dục. Còn cải cách thể chế, lĩnh vực quan trọng và bao trùm nhất, thì chưa thấy có gì rõ ràng cả.
Đấy là mối lo lớn vì đã hơn nửa nhiệm kỳ của Đại hội Đảng XI rồi mà chưa khởi động được bao nhiêu, thì không hiểu 2 năm còn lại chúng ta sẽ làm được gì đây? Và rồi làm sao chiến lược 10 năm có thể thực hiện được.
Về việc này Chính phủ trả lời như thế nào?
Các báo cáo của các cơ quan chính phủ cũng giải thích là đã làm được việc này việc kia về tái cơ cấu. Chẳng hạn, về doanh nghiệp nhà nước (DNNN), họ nói là đang trong quá trình tái cơ cấu, Chính phủ đã phê chuẩn 68 đề án của các tập đoàn, tổng công ty và khoảng 100 đề án của các ngành, các địa phương về tái cơ cấu DNNN. Rồi các DNNN đang rà soát lại các ngành đầu tư ngoài ngành chính để thoái vốn...
Về đầu tư công, cũng có báo cáo là trong năm 2013 đã cắt giảm một số dự án, và tỷ lệ đầu tư đã giảm xuống, chỉ còn hơn 29% GDP.
Nhưng những giải thích đó không mấy thuyết phục. Bởi vì, ví dụ như cổ phần hóa, từ đầu năm đến giờ mới cổ phần hóa được 16 DNNN, rất chậm so với kế hoạch. Mặt khác việc để DNNN tự đưa ra đề án tái cơ cấu, cắt bỏ những lĩnh vực đầu tư ngoài ngành của mình cũng chưa ổn. Vì như thế khác nào DNNN tự chặt bớt tay chân của mình thì liệu có khả thi hay không.
Còn những nhân tố quan trọng khác của DNNN, như phải chấp nhận kỷ luật thị trường, áp dụng hệ thống quản trị hiện đại, hay cải cách hệ thống giám sát DNNN, thì cũng chưa đụng tới. Tức là chưa đụng tới được những cái cốt lõi nhất trong tái cơ cấu DNNN.
Đối với ngân hàng, họ nói đã giải quyết được 9 ngân hàng yếu kém, và đang sắp xếp lại nội bộ hệ thống ngân hàng. Nhưng cái cốt lõi nhất là giải quyết một cách căn cơ vấn đề nợ xấu, sở hữu chéo, kiểm soát rủi ro, và áp dụng hệ thống quản trị hiện đại trong toàn hệ thống ngân hàng thì vẫn còn đấy.
Tức là cách trả lời của các cơ quan không đi thẳng vào vấn đề tái cơ cấu, cái gì làm được, và cái gì chưa làm được, sắp tới phải làm?
Họ kể ra một vài đầu việc đã làm được để chứng minh quá trình tái cơ cấu đã bắt đầu, và đã có những thành tựu bước đầu rồi. Nhưng ngẫm cho kỹ có những việc không hẳn là thành tựu của tái cơ cấu.
Ví dụ như tái cơ cấu đầu tư công, thực tế là do nguồn vốn quá hạn hẹp nên tất yếu đầu tư công phải giảm đi. Năm nay, Quốc hội đã phải chấp nhận đề nghị của Chính phủ tăng mức bội chi ngân sách lên 5,3% GDP, thay vì 4,8% như chỉ tiêu đã đề ra hồi đầu năm, và phát hành thêm trái phiếu. Lý do chủ yếu là do thu ngân sách năm nay thấp so với dự toán, trong khi chi thường xuyên vẫn giữ ở mức quá cao, nên không còn bao nhiêu cho đầu tư công.
Như vậy, giảm đầu tư công năm nay không phải là kết quả của tái cơ cấu, mà do thiếu tiền. Tất nhiên Chỉ thị 1692 của Thủ tướng cũng thúc đẩy rà soát, cắt giảm một số dự án, nhưng đó vẫn chưa phải là đề án tổng thể cho tái cơ cấu đầu tư công. Quốc hội cũng vẫn còn đang bàn thảo về dự thảo Luật Đầu tư công, một luật được chờ đợi đã lâu để minh định các chính sách và nguyên tắc căn bản của đầu tư công.
Nhìn chung ham muốn đầu tư công còn rất lớn. Chính phủ và Quốc hội - những người có quyền và trách nhiệm quyết định đầu tư công - đều đồng ý về nguyên tắc phải nâng hiệu quả đầu tư công, chống dàn trải, lãng phí, giảm bớt đầu tư công, nhưng khi bàn cụ thể phần lớn các đại biểu lại không muốn cắt giảm ở ngành mình, địa phương mình. Và một số ngành vẫn rất ham hố những dự án lắm tiền nhiều của.
Nhìn chung ham muốn đầu tư công còn rất lớn. Chính phủ và Quốc hội - những người có quyền và trách nhiệm quyết định đầu tư công - đều đồng ý về nguyên tắc phải nâng hiệu quả đầu tư công, chống dàn trải, lãng phí, giảm bớt đầu tư công, nhưng khi bàn cụ thể phần lớn các đại biểu lại không muốn cắt giảm ở ngành mình, địa phương mình. Và một số ngành vẫn rất ham hố những dự án lắm tiền nhiều của. |
Chẳng hạn ngành giao thông vận tải vẫn muốn làm đường sắt cao tốc. Nhưng họ rút kinh nghiệm, thay vì đề nghị làm cả một con đường dài tốn 56 tỷ USD mà Quốc hội đã bác, bây giờ họ đề nghị chia ra thành mấy đoạn để làm.
Rút cục, tổng của nó vẫn không thay đổi mà có khi còn tốn kém hơn.
Triển vọng trong năm 2014, theo bà, vẫn ảm đạm như 2013?
Tôi rất sốt ruột. Lúc này rất cần có một quyết tâm chính trị cao và quyết định dứt khoát từ lãnh đạo cao nhất của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về việc phải tiến hành tái cơ cấu một cách khẩn trương và thực sự nghiêm túc, vượt qua những e ngại hay cản trở mà có lẽ ai cũng thấy.
Tôi được biết Chính phủ đang giao cho Bộ Kế hoạch - Đầu tư xây dựng đề án cải cách thể chế với tinh thần cải cách mạnh mẽ. Chắc hẳn Chính phủ và cá nhân Thủ tướng đều thấy những vấn đề của nền kinh tế trong mấy năm gần đây, cũng như những nguy cơ, nếu chúng ta không bứt ra khỏi được tình hình trì trệ như thế này để vượt mạnh lên trong những năm tới. Các vị đó hẳn cũng hiểu bao thách thức cũng như cơ hội mới trong hội nhập quốc tế đang đến rất gần.
Nếu như 2014-2015 Việt Nam không có chuyển động mạnh, thì kết quả của hội nhập quốc tế có thể lại tương tự như khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, tức là tiếp nhận thách thức nhiều hơn cơ hội do thiếu sự chuẩn bị để có đủ năng lực cần thiết.
Tôi cũng được biết Thủ tướng cũng đang yêu cầu các cơ quan soạn thảo nghị quyết về các giải pháp cho năm 2014 phải đề xuất những giải pháp hướng tới cả năm 2015, và có tính chất trung hạn hơn, chứ không chỉ nhằm giải quyết các vấn đề trước mắt, ngắn hạn, như cách đề ra giải pháp trong mấy năm vừa qua. Năm 2013, tái cơ cấu không được tiến hành bao nhiêu cũng một phần bởi ta cứ tập trung lo đối phó với những vấn đề nảy sinh trong từng thời gian ngắn, mà chưa lo giải quyết những vấn đề trung và dài hạn có tính chất căn cơ, gốc rễ.
Xin bà nói cụ thể hơn.
Đầu mỗi năm, Chính phủ thường ban hành một nghị quyết về các mục tiêu và giải pháp phát triển kinh tế-xã hội cho năm đó. Từ năm 2010 đến 2013, trong bối cảnh bất ổn kinh tế vĩ mô, lạm phát cao, mục tiêu số một của các nghị quyết hàng năm luôn là kiềm chế lạm phát - ổn định kinh tế vĩ mô; số hai là hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh, hay cải thiện môi trường kinh doanh... Và các giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, giảm lạm phát được đưa ra chủ yếu thường là ngắn hạn, để cắt nhanh cơn lạm phát.
Thế nhưng, để ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát về dài hạn thì phải giải quyết tận gốc, cũng là phải tái cơ cấu kinh tế, nhất là tái cơ cấu 3 lĩnh vực đầu tư công, hệ thống tín dụng và doanh nghiệp nhà nước. Nhưng trong mấy năm vừa qua, việc đó chưa được quan tâm đầy đủ. Vì vậy kết quả thực hiện các nghị quyết hàng năm đều bị hạn chế, những khó khăn cứ kéo dài năm này sang năm khác.
Chỗ nào cũng có cả đống vấn đề nóng
Tại sao Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã nhận thức rõ được vấn đề của tái cơ cấu và các giải pháp đột phá, thể hiện qua chủ đề của hai diễn đàn Mùa Xuân và Mùa Thu. Nhưng khi ra đến Quốc hội, dường như chúng lại bị lẫn vào các chủ đề khác, và chất vấn các thành viên Chính phủ đều là những câu hỏi ngắn hạn?
Câu chuyện hàng ngày của cử tri hoặc của các địa phương, nhất là những chuyện "nóng", thường là mối quan tâm của các đại biểu Quốc hội vốn dĩ đại diện cho từng địa phương. Mặt khác, đại biểu Quốc hội nước ta phần lớn là không chuyên trách, tức là đang làm việc ở một nơi nào, ngành nào đó, nên cũng thường hay nghĩ và nói về nơi, về ngành của mình hơn. Mà trên đất nước ta bây giờ có nơi nào, ngành nào không có cả đống vấn đề nóng, thậm chí rất nóng!
Nhưng nếu Quốc hội không tập trung bàn vào các vấn đề gốc rễ hơn từ một cái nhìn xa và rộng hơn, trên cơ sở đó tập trung chất vấn, đòi hỏi Chính phủ phải đáp ứng những yêu cầu lớn hơn của đất nước, cơ bản hơn của nhân dân, thì các vấn đề ngắn hạn của cử tri sẽ tiếp tục nảy sinh, và Quốc hội cứ phải rượt đuổi hoài theo chúng.
Tôi cũng buồn khi chứng kiến những gì mà Ủy ban Kinh tế đã đưa ra rất đúng, rất trúng trong các diễn đàn kinh tế hàng năm, mà ra đến kỳ họp Quốc hội thì lại bàn quá ít. Không biết do thời gian hạn hẹp hay cách nghĩ, cách chọn lọc, sắp xếp ưu tiên cho các mục tiêu và chương trình làm việc của Quốc hội?
Hay khi bàn về nghị quyết cho năm sau, Quốc hội cứ lo nhiều quá về chỉ tiêu tăng trưởng GDP, lạm phát bao nhiêu phần trăm là vừa, để rồi lại phải tính ngân sách bao nhiêu là đủ. Trong khi đó, hầu hết các chuyên gia trong và ngoài nước đều cho rằng bao nhiêu phần trăm tăng trưởng hay lạm phát không quan trọng bằng những chính sách cần đổi mới, những biện pháp cần thực hiện để có tăng trưởng khá hơn, lạm phát thấp hơn mà không tốn quá nhiều tiền thuế của dân, nguồn lực của đất nước.
Điều này, các chuyên gia như bà, có nói thẳng với Ủy ban Kinh tế của Quốc Hội không?
Nhìn lại 2013 - Kỳ vọng 2014: Vinashin giải thế, nợ để ai trả? Việt - Trung: Sóng gió chẳng có lợi cho ai Đúng quy trình là cách rũ bỏ trách nhiệm |
Có chứ. Và cái hay nhất của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội là tại các diễn đàn họ mời tất cả các chuyên gia, cả trong các tổ chức nhà nước và chuyên gia độc lập, đến. Ủy ban rất lắng nghe các ý kiến khác nhau, chấp nhận tranh cãi ra trò trong các cuộc đó để làm rõ các vấn đề quan tâm. Các chuyên gia thì rất tâm huyết, đưa ra nhiều bài viết với kết quả nghiên cứu công phu, thuyết phục, và khi phát biểu thì phần lớn vừa có lý có tình, vừa rất thẳng thắn, bộc trực.
Tôi thấy những người lãnh đạo Ủy ban Kinh tế Quốc hội từ trước đây như ông Hà Văn Hiền, hay hiện nay như ông Nguyễn Văn Giàu, ông Nguyễn Văn Phúc, đều thực sự thấu hiểu các vấn đề kinh tế-xã hội của nước nhà theo nghĩa rộng và chiều sâu của nó. Hay bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc Hội, đã tham gia chủ trì mấy kỳ diễn đàn, cũng lắng nghe rất chăm chú, và các câu hỏi, nhận xét, kết luận của bà đã chứng tỏ bà rất hiểu vấn đề. Chỉ tiếc rằng từ các vị này hay Ủy ban Kinh tế đến nghị trường lại có những khoảng cách...
Bà có niềm tin vào quyết tâm của Chính phủ trong năm tới?
Khi tham gia một số cuộc làm việc của các cơ quan được Thủ tướng đặt bài để đề xuất các phương hướng, hoặc giải pháp thực hiện những đề án cải cách mới, tôi cảm nhận có sự quyết tâm và đòi hỏi phải tạo cho được những thay đổi mạnh mẽ và có tính chất dài hạn hơn trong năm tới.
Tôi mong chờ, và hy vọng có thể đạt được điều đó, dù biết rằng còn vô vàn trở ngại. Bởi người dân chờ đợi sự thay đổi lâu quá rồi, đòi hỏi về sự thay đổi bây giờ lớn quá rồi. Trong các ngành khác nhau, ở các địa phương khác nhau, trong từng tổ chức, doanh nghiệp, từng người dân, ai cũng trông chờ sự thay đổi, một cuộc "đổi mới lần thứ hai" thực sự.
Những thay đổi trên thế giới và trong khu vực, những cuộc hội nhập kinh tế sắp tới cũng không cho phép chúng ta chần chừ lâu hơn nữa. Không thay đổi, chúng ta không chỉ mất thời cơ, mà còn có thể lâm vào nguy cơ tụt hậu xa hơn và lạc khỏi quỹ đạo phát triển của thế giới ngày nay.
Vì vậy tôi mong những người ở cấp chóp bu sớm bắt tay khởi động mạnh mẽ quá trình đổi mới vô cùng cấp thiết lần này. Nếu làm được thì có thể lấy lại niềm tin, khơi dậy tinh thần, nhuệ khí của cả nước, cả dân tộc, và nhận được sự ủng hộ của cả cộng đồng quốc tế. Đặt lợi ích của người dân, của đất nước, của dân tộc lên trên hết, nhất định chung ta sẽ làm được.