Việt Nam có bỏ lỡ cơ hội “dân số vàng”?

Việt Nam có bỏ lỡ cơ hội “dân số vàng”?

Tận dụng hay bỏ lỡ cơ hội này đều mang đến những tác động cực kỳ sâu sắc cho sự phát triển lâu dài của đất nước. TTCT trao đổi với TS Giang Thanh Long (phó viện trưởng Viện Chính sách công và quản lý, ĐH Kinh tế quốc dân) - người đã có nhiều nghiên cứu về dân số và phát triển.

* Ông từng cho rằng cơ cấu tuổi của dân số thường bị bỏ qua khi đánh giá tác động của tăng dân số đến tăng trưởng và phát triển kinh tế (chỉ tính tốc độ tăng và quy mô dân số). Vì sao việc tính toán trên cơ cấu tuổi của dân số lại có ý nghĩa quan trọng?

- Cơ cấu tuổi dân số quan trọng vì phản ảnh tiềm lực cũng như nhu cầu về kinh tế, xã hội, y tế... khác nhau. Với cơ cấu dân số trẻ, đặc biệt với dân số trong độ tuổi lao động lớn, thì một quốc gia có thể tận dụng cho tăng trưởng, nhất là khi lực lượng dân số trẻ đó có sức khỏe, kỹ năng tốt và trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao. Ngược lại, khi dân số có nhiều người già ốm yếu, không hưởng thụ được cuộc sống có chất lượng thì chắc chắn sẽ là gánh nặng về y tế, chăm sóc người cao tuổi cho từng gia đình và toàn cộng đồng. 

Một nước được coi là có cơ hội dân số vàng khi tỉ số phụ thuộc dân số của nước đó nhỏ hơn 50, tức là cứ một người ngoài độ tuổi lao động sẽ được hỗ trợ bởi hơn hai người trong độ tuổi lao động. Tổng cục Thống kê định nghĩa cơ hội dân số vàng xảy ra khi tỉ lệ trẻ em (từ 0-14 tuổi) thấp hơn 30% và tỉ lệ người cao tuổi (65 tuổi trở lên) thấp hơn 15%.

Năm 2010, trên 60% người Việt Nam ở độ tuổi lao động (15-64 tuổi). Giai đoạn 2011-2020, lực lượng lao động Việt Nam tăng 1%/năm, tương ứng mức 47,82 triệu người năm 2011, 50,4 triệu năm 2015 và 53,15 triệu năm 2020. Tuy nhiên, thách thức lớn là có đến 19,5 triệu lao động Việt Nam đang làm việc trong các ngành nghề không đòi hỏi trình độ chuyên môn hoặc chuyên môn thấp.

(Nguồn: Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc)

Một ví dụ cụ thể cho vấn đề này là Việt Nam và Philippines có tổng dân số khá tương đồng, nhưng cơ cấu tuổi dân số khác nhau nên sẽ hàm ý chính sách khác nhau. Chẳng hạn dân số Philippines còn nhiều trẻ em nên nhất thiết hệ thống giáo dục tiểu học sẽ phải mở rộng trong thời gian tới.

Trong khi đó, Việt Nam ở trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng và hướng đến dân số già nên cần có một hệ thống chăm sóc sức khỏe sinh sản tốt, các dịch vụ chăm sóc lão khoa, chăm sóc người cao tuổi cần phát triển.

Chính sách dân số của chúng ta cho đến những năm gần đây vẫn nhằm một mục tiêu duy nhất là giảm sinh. Gần đây, chất lượng dân số bắt đầu được quan tâm qua các chỉ số quan trọng như tỉ suất chết, tuổi thọ khỏe mạnh, tỉ số giới tính khi sinh... vì những yếu tố này đòi hỏi các chính sách kinh tế, xã hội, y tế phù hợp.

* Theo ông, để tận dụng cơ hội này và cụ thể hóa trong xây dựng chính sách, đặc biệt là chính sách cho nguồn nhân lực, Việt Nam cần bắt đầu từ những bước đi như thế nào, thứ tự ưu tiên ra sao, loại chính sách nào cần được đặc biệt chú trọng?

- Trên thực tế, đánh giá điều gì quan trọng nhất cũng rất khó vì để tận dụng được cơ hội này cần phải thực hiện đồng bộ, thích hợp các chính sách kinh tế, xã hội và y tế cho các nhóm dân số chứ không chỉ riêng lẻ cho một nhóm nào cả.

Nếu chỉ nói về chính sách cho nhóm dân số trẻ thì tôi cho rằng việc nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật (tay nghề, kiến thức chuyên môn) và kỹ năng mềm (hay kỹ năng sống) là điều cốt yếu để họ không chỉ làm được công việc chuyên môn tốt, có hiệu quả mà còn biết cách đối nhân xử thế, ứng phó với từng tình huống cụ thể.

Nhìn vào tổng thể nền kinh tế với gần 70% dân số sống ở nông thôn, những năm tới đây, Việt Nam vẫn phải nhấn mạnh sự phát triển nông nghiệp và nông thôn mới theo hướng tăng năng suất sản xuất nông nghiệp, phát triển hoạt động phi nông nghiệp và công nghiệp ở nông thôn.

Về mặt chính sách, định hướng này mang lại hai điểm lợi là lấy chính lao động ở nông thôn để phát triển nông thôn và giảm bớt sức ép di cư của nhóm dân số này ra thành phố. Thực tế cho thấy nhóm lao động di cư từ nông thôn ra thành phố hiện nay là nhóm dân số có khả năng lao động tốt nhất ở nông thôn do họ có sức khỏe và mối quan hệ. Tuy vậy, ra đến thành phố họ phải đối mặt với nhiều rủi ro về việc làm, chỗ ở... Khi kinh tế tăng trưởng không ổn định, họ là những người đối mặt với rủi ro mất việc làm cao nhất. Cùng lúc đó, khi nguồn nhân lực tốt nhất rời đi, kinh tế nông thôn sẽ không phát triển được, khiến khoảng cách thành thị - nông thôn càng lớn.

Như đã nói ở trên, Việt Nam có cơ hội dân số vàng trong vòng 30 năm nên cần phải thực hiện đồng bộ, hợp lý các nhóm giải pháp chính sách và các chính sách này phải tính đến những đặc trưng có tính địa phương.

Trong một báo cáo do Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc xuất bản năm 2010 mà tôi tham gia với tư cách là tư vấn, chúng tôi nhấn mạnh đến bốn nhóm chính sách: giáo dục - đào tạo; lao động - việc làm và nguồn nhân lực; dân số - gia đình và y tế; an sinh xã hội. Ví dụ, với chính sách y tế, do dân số trong độ tuổi sinh đẻ vẫn tăng nên hệ thống và dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cần được đầu tư nhiều hơn để cải thiện, nâng cao chất lượng.

Cùng lúc đó, dân số Việt Nam đang già nhanh nên chuẩn bị hệ thống chăm sóc lão khoa cùng chế độ hưu trí để đảm bảo một tuổi già khỏe mạnh, đầy đủ về tài chính cũng hết sức quan trọng.

* Các địa phương mà áp lực dân số cao (chủ yếu là tăng dân số cơ học) như TP.HCM, Hà Nội cần nhìn nhận và tận dụng cơ hội này ra sao (trong quy mô dân số và phạm vi quyền lực của chính quyền địa phương)?

- Dân số tăng cơ học như Hà Nội, TP.HCM là chuyện rất bình thường. Nhiều nhà quản lý đô thị đổ lỗi cho người nhập cư mà không thấy rằng năng lực hoạch định tổng thể của họ và các tỉnh còn quá kém. Hà Nội, TP.HCM cần phải thấy xu hướng này là tất yếu và cần thay đổi hệ thống hạ tầng cơ sở, các dịch vụ xã hội như giáo dục, y tế.

Mặt khác, đó không chỉ là việc của Hà Nội hay TP.HCM mà còn của các tỉnh khác khi người dân lần lượt ra đi. Tôi nghĩ không ai muốn lìa quê hương đi cả, chỉ có điều không đi không được vì ở lại thì không đủ kế sinh nhai. Vậy nên phát triển kinh tế ở nông thôn như đã nêu trên và xây dựng các thành phố vệ tinh sẽ là biện pháp hữu hiệu. Hãy học Tokyo cách xây dựng thành phố vệ tinh như Yokohama... để giải quyết các vấn đề này.

* Theo ông, với kịch bản tốt, bao giờ chúng ta có thể tiếp cận được lợi ích từ giai đoạn cơ hội dân số vàng?

- Dù khó khăn, thách thức nhưng không có nghĩa là Việt Nam không làm được. Tôi nghĩ cơ hội lớn nhất chính là từ bản chất và quyết tâm của người Việt Nam bởi chúng ta là một dân tộc chăm chỉ, cần cù, chịu khó học hỏi những vấn đề mới.

Vấn đề ở đây là môi trường để phát huy bản chất và quyết tâm đó, đặc biệt là môi trường chính sách. Tôi không thể nói chính xác đến một năm nào đó Việt Nam sẽ thật sự tận dụng được lợi ích từ cơ hội dân số vàng mà chỉ khẳng định rằng Việt Nam không thể chờ cơ hội tự mang lại mà chúng ta phải chủ động nắm lấy nó. Chính sách phù hợp với từng giai đoạn phát triển và xu thế dân số sẽ giúp chúng ta phát triển, ngược lại chúng ta có thể tạo ra gánh nặng cho chính mình.

Trong tổng số gần 17 triệu thanh niên hiện nay thì có gần 60% đang sống ở khu vực nông thôn, miền núi với điều kiện kinh tế còn khó khăn, không có nhiều cơ hội và kỹ năng như các nhóm dân số thanh niên ở thành phố. Vì thế, nếu không có hướng phát triển kinh tế ở nông thôn bằng nhóm dân số trẻ tuổi này tại chính khu vực nông thôn, chúng ta sẽ lãng phí nguồn lực hiện có, thậm chí có thể nhận lấy nhiều gánh nặng kinh tế và xã hội khi nhóm dân số này có sức khỏe yếu, kỹ năng mềm yếu, thất nghiệp hoặc chỉ có việc làm thu nhập thấp... Nói cách khác, dù có lực lượng lao động trẻ quy mô lớn nhưng không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, không có việc làm ổn định thì cơ hội dân số vàng vẫn chỉ là cơ hội trên giấy.