Việt Nam: Già trước khi giàu?
TS Dương Quốc Trọng - Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ trao đổi về vấn đề này.
Vừa bước vào giai đoạn dân số vàng được vài năm thì theo một số chuyên gia, chúng ta đã bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa dân số. Xin ông nói rõ hơn về thực trạng này?
Trước hết cần hiểu được khái niệm dân số vàng và dân số trẻ. Dân số vàng được hiểu là giai đoạn dân số khi có 2 người trong độ tuổi lao động mới có 1 người trong độ tuổi phụ thuộc (dưới 15 tuổi và trên 60 tuổi). Cơ cấu dân số già (còn gọi là già hóa dân số) được chia thành 2 giai đoạn. Khi tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên đạt 10% hoặc người từ 65 tuổi trở lên đạt 7% thì gọi là dân số đang già. Còn khi tỷ lệ này lần lượt đạt 20% và 14% thì là giai đoạn dân số đã già. Nước ta bước vào giai đoạn dân số vàng từ năm 2007 và hiện đã bước vào giai đoạn dân số đang già.
Đáng chú ý là trong khi các nước trên thế giới cần một thời gian rất dài để chuyển từ dân số vàng sang dân số già (chẳng hạn Pháp cần 115 năm, Thụy Điển mất 70 năm…) thì Việt Nam hiện đang có tốc độ già hóa dân số nhanh hơn bất cứ một quốc gia nào trên thế giới. Các nhà khoa học nhận định rằng Việt Nam sẽ cần khoảng 25-30 năm để chuyển từ dân số vàng sang già hóa dân số, song với tốc độ gia tăng già hóa dân số là 0,4%/năm như hiện nay, khả năng chúng ta chỉ mất khoảng 15 năm để bước vào thời kỳ già hóa dân số.
Tại sao Việt Nam lại có tốc độ già hóa dân số tăng chóng mặt như vậy? Hệ lụy của thực trạng này?
Trước hết điều này thể hiện tính tích cực của chế độ xã hội ở nước ta. Cụ thể, tuổi thọ của người Việt Nam đã đạt được mức gia tăng rất nhanh, gấp khoảng 1,5 lần mức gia tăng tuổi thọ trung bình trên thế giới. Nếu như trong 50 năm qua, tuổi thọ bình quân của người dân trên thế giới tăng 20 tuổi, từ 48 lên 68 thì cũng trong thời gian này, tuổi thọ của người Việt Nam đã tăng từ 40 tuổi lên 73 tuổi. Nếu như năm 1998, cả nước mới có khoảng 3.000 cụ thọ từ 100 tuổi trở lên thì đến nay đã có trên 7.200 cụ.
Cũng phải thấy rằng việc già hóa dân số nhanh đang đặt ra thách thức rất lớn bởi “chúng ta già trước khi giàu”. Tốc độ già hóa quá nhanh trong khi chúng ta chưa kịp chuẩn bị cho giai đoạn này. Bởi dễ thấy rằng già hóa thì sức lao động giảm, trong khi hệ thống công ăn việc làm, an sinh xã hội cho các đối tượng này vẫn chưa đáp ứng được. Hơn nữa, 70% người già sống ở khu vực nông thôn, không có lương hưu và phải phụ thuộc vào con cái.
Trong khi chúng ta chưa tận dụng được nhiều thuận lợi từ cơ cấu dân số vàng thì lại phải đối mặt với nguy cơ giảm sức lao động do già hóa dân số, ông đánh giá sao về điều này?
Có thể khẳng định rằng dù đang bước vào giai đoạn già hóa dân số song vấn đề lao động của chúng ta chưa bị ảnh hưởng nhiều. Nguyên nhân là do tỷ lệ người bước vào độ tuổi lao động vẫn tăng, tỷ lệ người bước vào độ tuổi già cũng tăng nhưng tăng chậm hơn. Do đó, trong khoảng 30-40 năm nữa, chúng ta chưa phải lo lắng về vấn đề thiếu lao động, thậm chí vẫn sẽ có nguồn lao động rất dồi dào. Vấn đề là giải quyết công ăn việc làm cho lực lượng lao động như thế nào và chất lượng nguồn lao động ra sao, đó mới là điều phải lo lắng.
Hiện tại, nguồn lao động ở nước ta yếu về thể lực và sự dẻo dai, trong khi tỷ lệ người dị tật, khuyết tật còn cao (7,8% dân số). Về trí tuệ, tỷ lệ lao động có bằng cấp mới chỉ đạt 13,8%, tỷ lệ tốt nghiệp đại học cao đẳng còn thấp. Nhiều người nói rằng Việt Nam đang thừa thầy thiếu thợ, song tôi cho rằng chúng ta đang thiếu nghiêm trọng cả thầy lẫn thợ, tỷ lệ đào tạo thầy – thợ chưa hợp lý.
Dù sao thì tình trạng già hóa dân số cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế xã hội đất nước. Giải pháp nào cho bài toán này?
Tỷ lệ người già ngày càng nhiều có nghĩa sức lao động, khả năng tạo ra của cải vật chất cho gia đình và xã hội sẽ giảm, gánh nặng về an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cho nhóm này càng tăng. Điều quan trọng là chúng ta phải thay đổi suy nghĩ, không nên coi người già là đối tượng đứng ngoài sự phát triển kinh tế xã hội mà cần tạo điều kiện và cơ hội để tận dụng sức lao động, khả năng đóng góp của họ cả về kinh tế lẫn giá trị tinh thần. Thực tế rất nhiều người già vẫn còn khả năng đóng góp rất lớn cho xã hội nếu như được tạo điều kiện công tác, lao động.
Bên cạnh đó, chúng ta cần đẩy mạnh hệ thống an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe cho người già. Cần phát triển mạnh hệ thống cơ sở y tế chuyên khoa lão khoa từ Trung ương đến địa phương, các mô hình Trung tâm dưỡng lão, mô hình chăm sóc người già tập trung hay cộng đồng chăm sóc người già tại gia đình... Hiện tại ở nước ta đã có hệ thống văn bản luật pháp khá đầy đủ về chăm sóc và phát huy giá trị của người cao tuổi.
Xin cảm ơn ông!