Việt Nam là khu vực ưu tiên để mở rộng kinh doanh

Việt Nam là khu vực ưu tiên để mở rộng kinh doanh

Hoa Kỳ hiện đã vươn lên trở thành một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Nguyên nhân do đâu, thưa ông?

Các doanh nghiệp Hoa Kỳ đến Việt Nam cũng với những lý do tương tự các nhà đầu tư nước ngoài khác trên thế giới tìm đến Việt Nam. Những lý do này được chia thành ba nhóm chính.

Thứ nhất, có những nhà đầu tư muốn tới đây để thành lập các cơ sở chế biến xuất khẩu nhằm đáp ứng nhu cầu cho các chuỗi cung ứng toàn cầu của họ. Thường những nhà đầu tư này chọn Việt Nam làm cơ sở bổ sung cho những nhà máy mà họ đang có tại Trung Quốc, hoặc bất cứ quốc gia nào khác trong khu vực. Xu hướng tăng giá đồng NDT gần đây, bên cạnh sự cải thiện ngày càng lớn về điều kiện cơ sở hạ tầng giao thông tại Việt Nam sẽ làm gia tăng nhu cầu đầu tư theo hướng này tại Việt Nam trong thời gian tới.

Thứ hai, các nhà đầu tư gián tiếp (bao gồm các quỹ đầu tư chứng khoán tư nhân và các quỹ đầu tư của Việt Nam) đang tìm cơ hội đầu tư vốn dưới dạng mua cổ phiếu, hoặc gần đây nhất là mua trái phiếu của các doanh nghiệp Việt Nam được cho là có tiềm năng rất lớn tại thị trường đang phát triển này.

Thứ ba, là các nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất chế tạo, đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ, đang rất muốn mở rộng hoạt động toàn cầu của họ tại Việt Nam, tận dụng các cơ hội mà quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam mang lại.

Các doanh nghiệp Hoa Kỳ hiện cũng xem Việt Nam là một trong những khu vực ưu tiên để triển khai mở rộng hoạt động kinh doanh, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn còn u ám. Sự thành công của nhiều doanh nghiệp có tiếng tăm của Hoa Kỳ, đặc biệt là những doanh nghiệp như chúng tôi vào Việt Nam từ đầu những năm 1990, đã khuyến khích và cho họ thấy rằng, Việt Nam là một thị trường mà họ có thể phát triển tốt.

Sản xuất điện và năng lượng là một trong những lĩnh vực mà nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ quan tâm ở Việt Nam. Tuy nhiên, số lượng các nhà đầu tư Hoa Kỳ trong ngành công nghiệp này tại đây còn rất thấp với sự xuất hiện của một vài doanh nghiệp có tên tuổi như GE và AES. Vậy đâu là lý do cản trở họ thâm nhập sâu hơn vào lĩnh vực này?

Các dự án điện đòi hỏi nguồn vốn lớn và thời gian dài. Có nhiều rủi ro thất bại trong đàm phán do không thống nhất được về giá và địa điểm. Điều đó có nghĩa rằng, các doanh nghiệp tư nhân sẽ phải rất thận trọng khi quyết định theo đuổi các dự án này và cũng đã có nhiều kinh nghiệm thất bại khiến các nhà đầu tư mới phải cân nhắc kỹ lưỡng.

Vấn đề có tính thời sự đang được họ quan tâm là thiếu điện. Các doanh nghiệp Mỹ đánh giá thế nào về môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam?

Mùa hè này, kể cả những nhà đầu tư lâu năm ở Việt Nam như chúng tôi, cũng rất ngạc nhiên bởi tình hình thiếu điện nghiêm trọng. Tuần trước, văn phòng của chúng tôi ở Hà Nội (được đặt tại một trong những tòa nhà văn phòng hạng nhất, do một ngân hàng nhà nước sở hữu) cũng được thông báo sẽ bị cắt điện vào hai buổi trưa, mặc dù sau đó, công ty điện vẫn tìm được cách duy trì cấp điện cho tòa nhà.

Đối với chủ sở hữu các nhà máy, mất điện đồng nghĩa với việc mất năng suất và có thể là mất công ăn việc làm, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

Tình trạng này đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt từ phía chính quyền. Ngoài ra, để bổ sung cho những nguồn điện truyền thống, Nhà nước cần có nhiều hỗ trợ hơn (đặc biệt là về thuế) cho các nguồn năng lượng thay thế, gồm cả năng lượng mặt trời, năng lượng gió và nhiên liệu hữu cơ.

Dường như những “người chơi chính” trong lĩnh vực năng lượng hiện nay, những người sở hữu các nguồn tài nguyên dầu, than đá và phân phối điện, không hào hứng mấy trong việc mở rộng sân chơi cho sự tham gia của nhóm năng lượng đầy tính cạnh tranh này. Thảm họa tràn dầu của Mỹ ở Vịnh Mexico mới đây cho thấy, nguồn năng lượng dựa vào các-bon truyền thống tiềm ẩn nhiều cái giá mà xã hội phải trả cao hơn rất nhiều so với giá của bản thân nguồn nhiên liệu đó.

Bên cạnh đó, mặc dù năng lượng nguyên tử có vẻ là một nguồn năng lượng bổ sung đầy hứa hẹn về lâu dài cho Việt Nam, nó cũng hàm chứa rất nhiều vấn đề nghiêm trọng đối với môi trường và sức khỏe khi xử lý không tốt việc cất chứa nhiên liệu phóng xạ đã được đốt. Không một ai, kể cả các công ty Mỹ, có thể đưa ra một câu trả lời dễ dàng.

Những giải pháp hợp lý nhất sẽ cần phải được tìm ở từng nguồn năng lượng khác nhau. Nhưng việc hướng tới một thị trường giá điện cạnh tranh và đưa ra được các biện pháp hữu hiệu và cạnh tranh trong hệ thống phân phối dường như là một điều kiện hợp lý về mặt ngắn hạn để khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực này.

Từ đầu năm nay, đã diễn ra nhiều chuyến thăm Việt Nam của các quan chức cao cấp, cũng như lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ, đặc biệt là ngài Phó đại diện thương mại Mỹ và Chủ tịch Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hoa Kỳ. Ý nghĩa của những chuyến thăm này đối với quan hệ thương mại và đầu tư của hai nước là gì, thưa ông?

Đó là dấu hiệu cho thấy, sự quan tâm lớn của các ngành công nghiệp lớn của Mỹ tham gia vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là khi kinh tế toàn cầu đang sụt giảm. Tuy vậy, sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp nhỏ hơn của Mỹ ở đây (nhiều trong số đó hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ) cũng vô cùng quan trọng. Một vài doanh nghiệp trong số này đang tham gia phát triển các dự án năng lượng thay thế, giúp Việt Nam tránh mắc lỗi mà những nước phát triển đang phải gánh chịu hậu quả do công nghiệp hóa quá nhanh.

Việt Nam được coi là thị trường tiềm năng, có thể giúp chính quyền Tổng thống Obama thực hiện kế hoạch tăng gấp đôi xuất khẩu của Hoa Kỳ trong vòng 5 năm tới vào ASEAN. Ông có cho rằng, mục tiêu  này sẽ khả thi ở Việt Nam?

Chính quyền Tổng thống Mỹ Obama vạch ra chiến lược tăng gấp đôi xuất khẩu của Mỹ sang khu vực ASEAN trong vòng 5 năm. Đây là mục tiêu có tính khả thi dựa trên thực tế thặng dư thương mại lớn của Việt Nam với Hoa Kỳ hiện nay (Bộ Thương mại Hoa Kỳ dự đoán Việt Nam sẽ xuất khẩu 15 tỷ USD hàng hóa sang Mỹ và nhập khẩu 4 tỷ USD hàng hóa từ Mỹ trong năm 2010).

Về lâu dài, sự mất cân đối về thương mại có thể biến thành những vấn đề chính trị và các nghị sỹ Mỹ cũng đã phản ứng lại, kêu gọi phải có những chính sách bảo hộ nhà sản xuất Mỹ trong trường hợp các vụ kiện chống bán phá giá, xây dựng các hàng rào kỹ thuật và can thiệp vào các vấn đề về lao động và công đoàn ở Việt Nam.

Cả hai quốc gia sẽ còn phải nỗ lực nhiều hơn để xây dựng tiến trình quan hệ thương mại và đầu tư song phương ổn định và phát triển hơn. Tuy nhiên, những thành tựu hiện nay đã đủ để cho cả người dân và doanh nghiệp hai nước nhìn thấy tương lai sán lạng hơn và sẵn sàng nỗ lực để tham gia tiến trình này.