Việt Nam là nền kinh tế cạnh tranh thứ 77 toàn cầu

Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu vừa được WEF công bố sử dụng phương pháp mới để đánh giá toàn diện các động lực của nền kinh tế toàn cầu trong Cách mạng Công nghiệp Lần thứ 4. Năm nay, Việt Nam đứng thứ 77 trong 140 nền kinh tế, với 58,1 điểm trên thang 100. Thứ hạng năm ngoái là 74 trên 135.
 
Trong 12 trụ cột, Việt Nam được đánh giá cao nhất tại Sức khỏe, với 81 điểm, đứng thứ 68. Thấp nhất là Năng lực Sáng tạo, chỉ được 33,4 điểm, đứng thứ 82.
  
Công cụ mới của WEF năm nay xếp hạng các nền kinh tế thông qua 98 tiêu chí được chia thành 12 cột trụ. Các cột trụ này được chia vào 4 nhóm chính, gồm Môi trường Thuận lợi (Thể chế, Cơ sở hạ tầng, Sự phổ cập công nghệ thông tin – viễn thông, Ổn định vĩ mô), Thị trường (Sản phẩm, Lao động, Hệ thống Tài chính, Quy mô thị trường), Nhân lực (Sức khỏe, Kỹ năng) và Hệ sinh thái Đột phá sáng tạo (Sự năng động trong kinh doanh, Khả năng đột phá). Với mỗi trụ cột, WEF sử dụng thang điểm 100 (thay vì 7 như mọi năm), để đánh giá nền kinh tế đó đã tiến gần mức trạng thái cạnh tranh lý tưởng hay mới sơ khai.
 
Trên toàn cầu, cũng vì sự thay đổi cách tính năm nay, Thụy Sĩ không còn duy trì được chuỗi 9 năm liên tiếp đứng đầu như trước. Với 85,6 điểm, Mỹ hiện là nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới. Quốc gia này được đánh giá cao nhất tại các tiêu chí Sự năng động trong Kinh doanh, Thị trường Lao động và Hệ thống Tài chính.
 
Top 10 chủ yếu là các đại diện châu Âu, gồm Đức (3), Thụy Sĩ (4), Hà Lan (6), Anh (8), Thụy Điển (9) và Đan Mạch (10). Còn lại là ba nền kinh tế châu Á – Singapore (2), Nhật Bản (5) và Hong Kong (Trung Quốc, thứ 7). Trung Quốc – nền kinh tế lớn nhì thế giới đứng thứ 28 năm nay, cao nhất trong nhóm nước mới nổi BRICS.
 
Báo cáo năm nay nhận định các nền kinh tế vẫn còn khá yếu trong quá trình tích hợp đột phá sáng tạo. 103 quốc gia đạt điểm dưới 50 trong tiêu chí này. Quan điểm về rủi ro trong khởi nghiệp tích cực nhất là ở Israel và có xu hướng tiêu cực tại một số nền kinh tế Đông Á.
 
“Ứng dụng Cách mạng Công nghiệp Lần thứ 4 đã trở thành một yếu tố quyết định tính cạnh tranh. Với báo cáo này, WEF đã đưa ra cách tiếp cận để đánh giá các quốc gia khi có sự xuất hiện của tiêu chí mới. Tôi đã nhìn thấy trước sự phân tách mới trên toàn cầu giữa các nước hiểu được thế nào là chuyển đổi sáng tạo và các nước không. Chỉ các nền kinh tế nhận ra tầm quan trọng của 4.0 mới mở rộng được cơ hội cho người dân của mình”, ông Klaus Schwab – nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF cho biết.
 

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang và chủ nghĩa chống lại toàn cầu hóa, báo cáo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở cửa để tăng tính cạnh tranh. Bên cạnh đó, WEF cũng chỉ ra các nước sẽ không phải hy sinh năng lực cạnh tranh để phát triển kinh tế bao trùm và thu hẹp bất bình đẳng.