Việt Nam tăng điểm trong mắt nhà đầu tư châu Âu

Việt Nam tăng điểm trong mắt nhà đầu tư châu Âu

 Cụ thể, chỉ số môi trường kinh doanh tăng từ 66 điểm quý trước lên 74 điểm trong quý 3/2014, tiệm cận mức cao hồi 2011. So với cùng kỳ năm ngoái, Việt Nam đã cải thiện 24 điểm trên thang điểm 100.

Những thông tin này được đưa ra trong cuốn Sách Trắng về các vấn đề thương mại và đầu tư, do Phòng Thương mại châu Âu công bố chiều nay tại Hà Nội. Điểm số được tính toán sau khi EuroCham phỏng vấn và khảo sát với hơn 800 doanh nghiệp châu Âu đang làm việc tại Việt Nam, đề nghị họ chấm điểm môi trường kinh doanh ở nhiều hạng mục.

Lý giải về việc điểm số tăng mạnh so với trước, bà Nicola Connolly, Chủ tịch của EuroCham cho biết các nhà đầu tư châu Âu hiện không còn lo lắng về vấn đề lạm phát, với chỉ số lạm phát tháng 11 giảm 0,27% so với tháng trước đó. Những cải cách về thủ tục hành chính thời gian đóng góp phần lớn nhất vào việc cải thiện điểm số. Ngoài ra, cá nhân nước ngoài đã có thể được sở hữu bất động sản tại Việt Nam cũng làm giới đầu tư châu Âu hồ hởi.

Bên cạnh đó, triển vọng đàm phán thương mại tự do (FTA) giữa EU và Việt Nam hoàn tất vào năm sau khiến các nhà đầu tư kỳ vọng rằng nhiều loại thuế sẽ được dần gỡ bỏ. Theo tính toán, việc giảm và bãi bỏ thuế quan thông qua đàm phán sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng từ 30 đến 40% và chiều ngược lại tăng 25 đến 35%.

chi-so-moi-truong-kinh-doanh-6519-141744

Chỉ số môi trường kinh doanh Việt Nam cải thiện trong mắt các nhà đầu tư châu Âu.

Ngoài ra, cuốn sách cũng là nơi các doanh nghiệp châu Âu gửi nhiều kiến nghị lên Chính phủ Việt Nam ở 12 lĩnh vực đa dạng từ ô tô, điện năng đến dược phẩm, hàng tiêu dùng...

Ví dụ, trong vấn đề tiếp cận thị trường, các nhà đầu tư châu Âu muốn được mua lại dưới 49% cổ phần của các doanh nghiệp trong nước thông qua quá trình chuyển hóa đơn giản; đồng thời kiến nghị Việt Nam đơn giản hóa quá trình cấp phép để thúc đẩy hoạt động sáp nhập và mua lại (M&A).

Ngoài ra, EuroCham cũng cho rằng Việt Nam nên miễn thị thực (Visa) cho thêm nhiều quốc gia, nhằm gia tăng lượng khách du lịch. Trong một báo cáo, Việt Nam có khả năng tăng 8 đến 18% lượng khách du lịch nếu triển khai chương trình hỗ trợ thị thực, ví dụ chính sách cấp Visa tại cửa khẩu. Với chính sách Visa hiện nay, lượng khách du lịch từ khu vực Bắc Âu đến Việt Nam năm 2013 tăng trưởng âm so với 2012.

Ông Franz Jessen, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu cho biết EuroCham hy vọng thông qua cuốn Sách Trắng, Chính phủ Việt Nam sẽ xem xét lắng nghe những ý kiến, khuyến nghị của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu, giúp góp phần cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam trong tương lai.

Hiện nay, Liên minh châu Âu (EU) là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam với tổng giá trị thương mại năm 2013 đạt 24,2 tỷ USD. EU đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch lên đến 21 tỷ USD, tăng 28% so với năm trước đó và chiếm 19% tổng kim ngạch xuất khẩu. Hàng hóa EU xuất sang Việt Nam chủ yếu là các sản phẩm công nghệ cao như máy móc, thiết bị điện, máy bay, xe cộ và các sản phẩm dược. Sản phẩm Việt Nam xuất sang EU gồm điện thoại, sản phẩm điện tử, giày da, sản phẩm dệt may, thủy sản và đồ gỗ.

 

EU cũng là một trong những đối tác đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với 1.810 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài trong năm 2013. EU cũng cam kết hỗ trợ Việt Nam 400 triệu USD trong 6 năm tới.