Vietcombank và chuyện gọi vốn thời lãi suất nhạy

Đỉnh điểm, giá cổ phiếu VCB của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) từng vọt lên tới 57.500 đồng. Vì sao Vietcombank lại lo vùng giá cao đó?
 
Mối lo của Vietcombank
 
Ngân hàng này đang gấp rút đàm phán với một số đối tác nước ngoài, trong kế hoạch bán 10% cổ phần tăng vốn. Theo tìm hiểu của VnEconomy, các bước đàm phán, tìm hiểu giữa các bên đều diễn ra thuận lợi. Vietcombank đã vượt qua khoảng 500 câu hỏi tìm hiểu rất kỹ của nhà đầu tư.
 
Ngày 3/8 vừa qua, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s công bố kết quả đánh giá, xếp hạng mức tín nhiệm Vietcombank dẫn đầu hệ thống các ngân hàng Việt Nam, kèm với khẳng định: “Các chỉ số về chất lượng tài sản của Vietcombank là vượt trội hơn hầu hết các ngân hàng còn lại trong ngành”.
 
Tất cả với Vietcombank đang diễn ra thuận lợi. Một chút băn khoăn của nhà đầu tư nước ngoài về mối liên hệ với Ngân hàng Xây dựng (VNCB) trước đây cũng được xóa bỏ, sau dẫn giải về vai trò chỉ tham gia tái cơ cấu theo chỉ định của Ngân hàng Nhà nước.
 
Nhưng, như trên, giá cổ phiếu VCB lên càng cao có thể càng khiến việc đàm phán về giá với các đối tác khó... chốt nhanh. 
 
Bởi dù bán theo lô, giá bán 10% cổ phần nói trên cho đối tác nước ngoài có thể thấp hơn, sẽ do cấp có thẩm quyền phê duyệt…, nhưng nếu quá chênh với mức giao dịch trên sàn (đã lên cao) thì có lẽ là điều phải cân nhắc kỹ hơn.
 
Dù vậy, dự kiến trong một thời gian ngắn tới đây, Vietcombank sẽ hoàn tất kế hoạch chào bán riêng lẻ nói trên. Cùng với phương án tăng mạnh vốn điều lệ từ 26.650 tỷ đồng lên 35.977 tỷ đồng mà Ngân hàng Nhà nước vừa chấp thuận ngày 2/8 vừa qua, năng lực tài chính sẽ được nâng lên cao hơn nữa.
 
Trước khi có các sự kiện trên, hệ số an toàn vốn (CAR) của Vietcombank ở khoảng 11%. Phát hành riêng lẻ thêm 10% cho nhà đầu tư nước ngoài, chắc chắn có phần thặng dư lớn nữa, CAR của họ càng được củng cố.
 
Tuy nhiên, cũng trong tuần này, kế hoạch phát hành 8.000 tỷ đồng trái phiếu năm 2016 của Vietcombank là đáng chú ý. Hiện chưa có thông tin chi tiết, cũng như cáo bạch về đợt phát hành, nhưng theo lãnh đạo cao cấp của ngân hàng này, mục đích là để bổ sung nguồn vốn cấp 2.
 
Theo quy định hiện hành, trái phiếu có kỳ hạn ban đầu tối thiểu 5 năm được tính vào vốn cấp 2, góp phần cải thiện hệ số an toàn vốn. Nhu cầu cải thiện này ở Vietcombank là thực tế, vì nếu giữ nguyên trạng như đầu 2016, để tuân thủ các chuẩn mực cao hơn của Basel 2, CAR có thể giảm xuống chỉ còn 7%.
 
Hiện chưa có thông tin chi tiết về đợt phát hành 8.000 tỷ nói trên. Tuy nhiên, dự báo lãi suất trái phiếu sẽ cao hơn đáng kể so với biểu huy động thông thường của Vietcombank hiện nay. Đây dự kiến sẽ là điểm hấp dẫn, thu hút sự chú ý của các dòng tiền trên thị trường.
 
Nói một cách hình ảnh, trong một mặt hồ lãi suất huy động VND khá tĩnh lặng hiện nay, thực hiện một cú ném có sức nặng lãi suất sẽ thể hiện xáo động phù hợp với mong muốn của người ném. Hay, thị trường đang ở thời điểm dễ nhạy với lãi suất.
 
Chọn điểm rơi lãi suất
 
Như đầu tháng 7 vừa rồi, Ngân hàng Á Châu (ACB) đã thực hiện “cú ném” với 2.000 tỷ đồng, qua trái phiếu kỳ hạn 5 năm 1 ngày, và lãi suất năm đầu lên tới 8,5% cùng cơ chế tính lãi suất những năm sau khá hấp dẫn. ACB đã tạo xáo động thành công, thu hút sự chú ý các dòng tiền và bán gọn lượng trái phiếu đó.
 
Cùng với ACB, như trên là Vietcombank, tới đây là Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cũng sẽ phát hành 4.000 tỷ đồng trái phiếu. Đây đã và sẽ là những cú ném chủ động.
 
Điểm chung, lãi suất trái phiếu sẽ cao hơn lãi suất huy động truyền thống thông thường. Trong bối cảnh hiện nay, với mặt hồ lãi suất khá tĩnh lặng hiện nay, những mức cao hơn, dù không quá vượt trội cũng dễ nhạy với thị trường, dễ tạo nên cú ném xáo động nhất đối với những dòng tiền của tổ chức, dân cư tạm gọi là nhàn rỗi, để chủ động thu hút thành công.
 
Bởi nếu đến khi mặt hồ lãi suất huy động nhiều sóng, sóng nổi lên, thì cú ném sẽ cần phải mạnh tay, nặng hơn về lãi suất để tạo xáo động và thu hút hiệu quả, chi phí huy động theo đó sẽ tốn kém.
 
Vậy nên, trước các kế hoạch phát hành trái phiếu trên, ngoài nhu cầu cụ thể khi huy động vốn, điểm rơi của lãi suất hiện nay có lẽ cũng là một yếu tố để các ngân hàng lựa chọn. Mặt bằng lãi suất khó giảm thêm nữa, thậm chí có thể tăng lên trong tương lai, nên quyết định phát hành hiện nay giống như là “bắt đáy” lãi suất vậy.