VN có nguy cơ rơi vào bong bóng đầu cơ mới
Bài viết đăng trên Wall Street Journal nói rằng những lo ngại này được nêu bật vào Thứ Ba vừa qua, khi Fitch Ratings đưa đồng nội tệ của Việt Nam xuống vị trí thấp hơn với lời giải thích rằng ’vị trí tài chính của Việt Nam đang suy giảm đều đặn’ và hệ thống ngân hàng của nước này ’dễ bị tổn thương bởi áp lực tiềm tàng của hệ thống’ khi mà chính phủ để cho nguồn tín dụng tràn ngập nền kinh tế.
Cũng có những lo ngại tương tự đối với Hoa Kỳ và Trung Quốc, những quốc gia đang chịu sức ép để chuẩn bị rút bớt các chương trình kích thích kinh tế của mình. Đối với Việt Nam thì mối lo ngại này đặc biệt rõ rệt hơn, khi Việt Nam là một nền kinh tế đang trỗi dậy được theo dõi nhiều nhất và là nơi thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng quan trọng.
Phần lớn nền kinh tế của Việt Nam bị chi phối bởi các doanh nghiệp quốc danh vốn có truyền thống đưa ra những quyết định đầu tư sai lầm ngoài lĩnh vực kinh doanh chính họ, điều đã góp phần vào hành vi đầu cơ trong quá khứ.
Bài viết cũng đề cập đến việc ngân hàng trung ương đã đổ vào nền kinh tế các khoản cho vay trị giá ít nhất là 19 tỉ đô la kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, con số này tương đương với khoảng một phần năm tổng sản phẩm quốc nội hàng năm của Việt Nam.
Ngân khoản này là phần chủ yếu của chương trình kích thích kinh tế, trong đó nhà nước hỗ trợ lãi suất cho các ngân hàng, để họ có thể tạo ra nhiều khoản cho vay giúp các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp xuất khẩu.
Biện pháp này chỉ có tác dụng trong ngắn hạn và việc đưa một ngân khoản lớn như vậy vào nền kinh tế khiến nhiều người dân thường lo ngại lạm phát sẽ quay trở lại.
Nhiều người Việt Nam đang đối phó bằng cách đầu tư tất cả những khoản tiền mà họ có thể góp nhặt được, trước nỗi sợ lạm phát tăng trở lại. Ví dụ như tại những khu đô thị còn đầy bụi bặm ở phía Đông Hà Nội, bong bóng nhà đất đã tăng phồng hết cỡ. Hàng loạt các công ty tư nhân và quốc doanh đang dựng lên các thành phố vệ tinh tại khu vực này để giảm bớt tình trạng quá tải ở Hà Nội.
Một số nhà kinh tế ở Việt Nam lo ngại rằng các chính trị gia Việt Nam quá chú trọng vào các kế hoạch phát triển kinh tế 5-năm theo hướng ưu tiên tăng trưởng tới mức họ không sẵn sàng ngưng kích thích kinh tế cho tới khi lạm tăng cao trở lại.
Một nhà kinh tế hiểu rõ về cách suy nghĩ của chính phủ cho rằng chính phủ đang cố găng quay ngược kim đồng hồ lại thời điểm 2006 và 2007, khi mà mục tiêu lúc đó là xuất khẩu càng nhiều càng tốt sang nước Mỹ đang tiêu sài hoang phí. Nhưng người Mỹ có lẽ sẽ không thể tiếp tục chi tiêu như trước nữa, và Việt Nam có thể sẽ lại phải hứng chịu tình trạng lạm phát nghiêm trọng một lần nữa.
Ông Trần Lê Khánh, Giám đốc đầu tư quỹ Prudential Việt Nam, thì cho rằng trong khi ’chính phủ đã và đang thành công trong việc ổn định nền kinh tế’ trong những tháng gần đây, các giới chức ’cũng cần phải cân nhắc đến những rủi ro dài hạn, ví dụ như sự dư thừa thanh khoản trong hệ thống ngân hàng và khả năng điều này sẽ gây nên tình trạng lạm phát cao’.
Trong bản báo cáo hồi tháng trước, Ngân hàng Thế Giới đã nhắc nhở chính phủ Việt Nam rằng việc cho vay theo chỉ thị của chính phủ có thể đang cản trở tiến trình cải tổ các doanh nghiệp quốc doanh, và Việt Nam nên tập trung vào việc giúp đỡ những người bị mất công ăn việc làm trong giai đoạn kinh tế khó khăn này.
Một số các phân tích gia khác lo ngại việc thả nổi hoạt động cho vay có thể làm trầm trọng thêm tình trạng nợ xấu trong ngành ngân hàng. Theo số liệu chính thức thì tỉ lệ nợ xấu đã tăng lên 2,6%, từ mức 2,2% vào cuối năm ngoái. Tuy nhiên, Việt Nam lại không tính tỉ lệ nợ xấu theo như tiêu chuẩn quốc tế. Fitch Ratings gần đây ước tính tỉ lệ nợ xấu thực có lẽ lên tới 13% tổng số nợ vào cuối năm 2008. Theo Fitch Ratings thì chương trình hỗ trợ cho vay của Việt Nam ’gần như chắc chắn đã làm cho tình hình tồi tệ thêm’.