VN: Lạm phát năm 2009 sẽ ở mức 1 con số
Diễn biến thị trường giá cả 6 tháng đầu năm không vượt ra ngoài dự đoán của các chuyên gia từ năm 2008. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nửa đầu năm chỉ tăng 2,68% so với cuối năm 2008. Tuy nhiên, dự báo thị trường giá cả nửa cuối và cả năm 2009 hiện đang tồn tại hai luồng ý kiến trái ngược nhau. Trong đó, nhóm ý kiến thứ nhất cho rằng, vấn đề của năm 2009 không phải là lạm phát mà là kích thích kinh tế để chống suy giảm tăng trưởng, CPI nửa đầu năm chỉ tăng 2,68% so với cuối năm 2008 là cơ sở thực tế vững chắc cho nhận định này. Nhóm ý kiến thứ 2 khẳng định nguy cơ lạm phát cao quay trở lại, có thể vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2010 là rất đáng lo ngại.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia thiên về ý kiến thứ nhất. Ông Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả cho rằng: “Mức độ tăng giá nửa đầu 2009 thấp hơn rất nhiều so với 6 tháng đầu năm 2008 cho chúng ta một căn cứ quan trọng để tin CPI cả năm 2009 sẽ đứng ở 1 con số”. Ông Nguyễn Đức Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ thương mại, dịch vụ và giá cả (Tổng cục thống kê) nhận xét: "Trong những tháng đầu năm, không có những “cơn sốt giá”, hầu hết các mặt hàng thiết yếu đến đời sống người dân có tốc độ tăng giá chậm”. Ông Thắng cũng dự báo, CPI có thể tiếp tục tăng nhẹ trong các tháng tiếp theo nhưng không có sự biến động lớn và CPI tháng 12.2009 so với tháng 12.2008 tăng ở mức 1 con số (<10%).
Mặc dù có những đánh giá tích cực về diễn biến thị trường 6 tháng đầu năm, song các chuyên gia cũng cảnh báo về nguy cơ lạm phát cao trở lại trong 6 tháng cuối năm là rất lớn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia mức lạm phát thực tế còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là chính sách tiền tệ và tài chính của Chính phủ. Ông Nguyễn Đức Thắng lưu ý: “Chính sách tiền tệ, tài chính đang được nới lỏng, nhưng cần có sự kiểm soát chặt chẽ, thận trọng theo sự biến động của thị trường trong nước và ngoài nước để chủ động ngăn chặn nguy cơ lạm phát có thể tăng cao trở lại sau giai đoạn kích cầu”.
Về diễn biến giá cả 6 cuối năm, TS Nguyễn Minh Phong, Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội nhận định: “Khả năng tăng giá “sốc” như năm 2008 là rất khó xảy ra. Giá sẽ tăng nhẹ, ổn định ở thị trường bất động sản, vàng, xăng dầu, thực phẩm và giao thông, năng lượng điện, cũng như chứng khoán của một số ngân hàng mạnh, một số công ty kinh doanh dầu khí và chế tạo hàng xuất khẩu sang các nước công nghiệp phát triển. Ngược lại, xu hướng giảm giá sẽ đậm hơn ở các mặt hàng viễn thông, hàng điện tử, dịch vụ ngân hàng, xe máy, và một số hàng hoá và dịch vụ ngoại nhập trong danh mục giảm thuế theo lộ trình cam kết trong khuôn khổ WTO, AFTA và các hiệp định thương mại tự do, song phương, đa phương...”.