Vỡ mộng đi xuất khẩu lao động, người dân quê khốn đốn vì nợ

Vỡ mộng đi xuất khẩu lao động, người dân quê khốn đốn vì nợ

“Sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi”

Gặp chúng tôi, ông Phan Anh Tuấn- Phó Chủ tịch xã Thủy Phù cho biết, tháng 9/2007 thông qua công văn của sở Lao động – Thương binh – Xã hội gửi cho các huyện và xã thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế về việc tạo điều kiện cho người dân đăng ký đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở nước ngoài. Công ty LOD (Labour Overseas Deployment Corporation) đóng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế, do ông Lê Minh Toàn phụ trách, đã cử người về tư vấn và vận động hàng chục người dân nghèo xã Thủy Phù (huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đi XKLĐ tại CH Czech. 39 người đăng ký tham gia và trúng tuyển. Sau khi tự chi tiền đi học nghề và quy chế XKLĐ gần 2 tháng tại TP Huế, đến tháng 1/2008, 39 lao động  nộp 16 triệu đồng/người cho đại diện của Công ty LOD tại tỉnh Thừa Thiên - Huế. Sau đó, đại diện công ty này cho biết, đã chuyển hồ sơ cho Công ty Cổ phần Du lịch Hà Tây - chi nhánh Hà Nội do bà Trần Thị Thanh Phương làm giám đốc để công ty hoàn thành thủ tục. Và những lao động trên lại tiếp tục tự bỏ tiền túi gần 10 triệu đồng khăn gói ra Hà Nội học ngoại ngữ và nâng cao tay nghề theo yêu cầu của Công ty Cổ phần Du lịch Hà Tây - chi nhánh Hà Nội.

Tháng 10/2008, bà Trần Thị Thanh Phương gửi văn bản đề nghị Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Hương Thủy tạo điều kiện cho số người đi XKLĐ nói trên vay 30 triệu đồng/người để nộp cho công ty nhằm hoàn thành thủ tục XKLĐ. Văn bản còn ghi rõ “những lao động này đã trúng tuyển đi XKLĐ có thời hạn tại CH Czech, đã có visa và dự kiến xuất cảnh ngày 28/10/2008”. Những người đăng ký đi XKLĐ và người thân của họ kể lại: “Ngân hàng đã về trụ sở của UBND xã Thủy Phù để giải ngân cho chúng tôi 30 triệu đồng/người. Và khi chúng tôi vừa nhận được tiền thì có một người đàn ông tên Dũng, đại diện của công ty đã tập hợp chúng tôi lại và đưa thẳng đến ngân hàng để chuyển số tiền vừa nhận được vào tài khoản của công ty”.

Bản cam kết thực hiện hợp đồng đi lao động ở nước ngoài.
Cũng trong thời gian này, không hiểu sao có 5/39 người được bà Phương đưa qua Thái Lan để phỏng vấn, chuẩn bị sang CH Czech. Tuy nhiên, khi qua Thái Lan, họ mới biết mình được làm thủ tục đi Slovakia chứ không phải đi CH Czech. Khi bị những người đi XKLĐ phản ứng thì bà Phương thông báo hoạt động XKLĐ đi CH Czech đã bị ngưng. Những khoản tiền mà người lao động đã chi, công ty sẽ trả lại”. Thế nhưng kể từ khi nộp tiền cho đến nay, người người lao động vẫn chưa được cấp visa, cũng không hề nhận được thông tin nào từ phía hai công ty. Không thể chờ đợi được nữa, người dân đã nhiều lần kéo đến văn phòng của LOD tại tỉnh Thừa Thiên - Huế để đòi quyền lợi nhưng chỉ một vài người được trả lại 16 triệu đồng/người, số còn lại ra về tay trắng.

“Biết lấy tiền đâu để trả nợ khi mình sắp chết…”

Khi tiếp xúc với chúng tôi, nhiều người dân của xã Thủy Phù đã bật khóc. Họ nói, do tin vào những lời tư vấn của công ty LOD đóng tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, nên họ cố gắng chạy vạy khắp nơi để vay mượn, mong sao cho con em mình được đi XKLĐ, kiếm chút vốn liếng về quê làm ăn. Bà Nguyễn Thị Huê, mẹ anh Ngô Xuân Tý - một trong 39 người đăng ký đi XKLĐ – vừa khóc vừa nói: “Tôi bị tàn tật chỉ còn một chân, lại thêm cảnh mẹ góa con côi. Để cho con được đi XKLĐ, tôi đã chạy vạy khắp nơi vay tiền nộp cho công ty, vay tiền cho con đi Hà Nội học, rồi vay tiền ngân hàng nữa, và bây giờ tôi phải gánh cả đống nợ, nếu công ty không trả lại tiền để mẹ con tôi trả nợ, chắc tôi phải tự tử mất thôi!”.

Gia đình anh Hồ Tuấn đang buồn rầu vì không biết lấy tiền đâu để trả nợ ngân hàng và chữa bệnh cho con

Trong số 39 người đăng ký đi XKLĐ có anh Hồ Tuấn, dù bị bệnh nhưng vẫn được công ty xác nhận đạt tiêu chuẩn XKLĐ. Và trong thời gian chờ đợi đi XKLĐ, anh Tuấn đi khám sức khỏe và biết mình bị mắc bệnh ung thư máu giai đoạn cuối. Gia đình anh đã nhiều lần liên lạc với Công ty LOD và Công ty Cổ phần Du lịch Hà Tây - chi nhánh Hà Nội để xin rút hồ sơ, lấy lại tiền chữa bệnh cho anh nhưng mới chỉ được hoàn trả 16 triệu đồng.

Ngồi đối diện chúng tôi với thân thể gầy nhom, trên đầu tóc đã rụng hết sau nhiều lần hóa trị anh buồn bã tâm sự: “Số tôi như thế là đã hết, muốn đi XKLĐ kiếm tiền giúp gia đình thì tiền mất. Bây giờ lại bị bệnh chắc cũng chỉ sống được vài hôm nữa là cùng. Tôi không muốn khi mình chết thì để lại cho gia đình gánh nặng nợ nần, nhưng biết lấy tiền đâu để trả nợ khi mình sắp chết”.  

Qua trao đổi với chúng tôi, ông Phan Anh Tuấn – Phó Chủ tịch xã Thủy Phù cho biết, sau nhiều lần nhận được đơn phản ảnh của người dân, ông Tuấn đã báo cáo vụ việc với Sở Lao động – Thương binh – Xã hội, và ngày 10/7/2009 sở đã gửi giấy mời ông Toàn và bà Phương đến làm rõ vụ việc nhưng cả hai đều không đến. Hiện sở đang báo cáo vấn đề này với Bộ Lao động – Thương bình – Xã hội, đồng thời tiếp tục gửi giấy mời bà Phương đến để làm rõ vụ này.