Vốn huy động không tăng nhiều dù tăng lãi suất
Giám đốc chi nhánh của một ngân hàng quốc doanh cho biết việc niêm yết mức lãi suất huy động cao hơn chỉ có thể giúp chi nhánh này giữ khách hàng ở lại chứ không làm tăng huy động.
“Chúng tôi còn đang e ngại rằng sẽ bị mất khách trong thời gian tới vì lãi suất không cao bằng các ngân hàng cổ phần khác”, ông này nói.
Trên thực tế, các ngân hàng đã có cam kết với Hiệp hội Ngân hàng rằng sẽ không đua để tăng lãi suất huy động vượt quá mức 11,5%năm trong đó có cam kết là không khuyến mãi tặng thêm tiền mặt. Tuy nhiên, chỉ có các ngân hàng lớn thực hiện nghiêm túc còn một số ngân hàng khác vẫn tiếp tục xé rào, đưa lãi suất huy động lên đến 13%-14%/năm bằng các chương trình khuyến mãi.
Đơn cử một ngân hàng có trụ sở ở Hà Nội niêm yết lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng là 11,3%/năm nhưng nếu khách hàng gửi 100 triệu đồng sẽ được tặng thêm 650.000 đồng, tính ra lãi suất kỳ hạn ba tháng của ngân hàng này lên đến 13,9%/năm.
Ông Nguyễn Quốc Sỹ, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Miền Tây, cho biết sau khi tăng lãi suất huy động lên cao hơn trước nhưng vào thời điểm có kỳ nghỉ lễ khá dài nên vẫn chưa thấy được xu hướng rõ ràng của vốn huy động vào ngân hàng. “Nhìn chung, số tiền gửi vào ngân hàng từng ngày có tăng so với trước nhưng mức tăng là không đáng kể”, ông Sỹ nói.
Cùng quan điểm với ông Sỹ, bà Nguyễn Thị Kim Xuyến, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á, cho biết thực chất mức lãi suất huy động hiện giờ của các ngân hàng cũng không cao hơn so với lãi suất của tháng trước, chỉ là các ngân hàng giảm bớt các chương trình khuyến mãi so với trước đây để tăng lãi suất huy động thực tế lên. “Người gửi tiền hiện nay tính toán rất kỹ, họ xem xét cả lãi suất huy động và khuyến mãi để ra lãi suất thật sự rồi mới quyết định gửi tiền, vì vậy khó hy vọng vốn huy động sẽ tăng mạnh với lãi suất không thay đổi bao nhiêu so với trước”, bà Xuyến nói.
Ông Đàm Thế Thái, Giám đốc khối khách hàng cá nhân của Ngân hàng An Bình, cho rằng lãi suất cũng không phải là yếu tố quyết định xu hướng tiền gửi vào ngân hàng trong thời điểm hiện nay. “Thị trường bất động sản đang ấm lên, thị trường chứng khoán thì sôi động cũng sẽ ít nhiều tác động đến kênh tiền gửi tiết kiệm của ngân hàng”, ông nói thêm. Ông Thái cũng cho rằng để có cái nhìn toàn diện về xu hướng tiền gửi thì cần đợi sau một tháng kể từ ngày áp dụng lãi suất mới.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước điều hành theo hướng kéo lãi suất cho vay của ngân hàng xuống mức 12% - 13%/năm và lãi suất huy động xuống 10%/năm.