Vốn Nhật vẫn dẫn đầu tại Bình Dương

Cũng theo ông Trúc, từ đầu năm đến nay, có 33 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư vào Bình Dương. Nếu tính theo số vốn đầu tư, thì đứng đầu là Singapore, tiếp theo là Hàn Quốc và Nhật Bản. “Nhưng nếu tính lũy kế, đến nay, các nhà đầu tư Nhật Bản rót vốn vào Bình Dương nhiều nhất với 241 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký là 5,13 tỷ USD”, ông Trúc nói và cho rằng, Bình Dương là một trong những điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.
 
Tại Bình Dương, ngành nghề đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản khá đa dạng, từ hạ tầng, phát triển đô thị - thương mại - dịch vụ đến sản xuất linh kiện điện tử, mạch và chíp điện tử, sản xuất lắp ráp ô tô, sản xuất thép, thực phẩm… Ngoài số vốn đầu tư đang dẫn đầu, tại Bình Dương có không ít dự án của nhà đầu tư Nhật Bản có quy mô vốn lớn. Đơn cử, Tập đoàn Tokyu đầu tư 1,2 tỷ USD triển khai tổ hợp bất động sản, hạ tầng tại Thành phố mới Bình Dương; Công ty TNHH Maruchi Sun Steel đã rót 420 triệu USD cho dự án sản xuất thép; Tập đoàn Aeon đầu tư 95 triệu USD xây trung tâm thương mại; Công ty TNHH Wonderful Sài Gòn Electrics đầu tư 240 triệu USD sản xuất linh kiện điện tử…
 
Bình Dương là một trong những điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam
Từ đầu năm đến nay, nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đã tiếp tục đến tìm hiểu môi trường đầu tư và quyết định rót vốn vào Bình Dương, trong đó có 4 dự án mới, 9 dự án tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 116 triệu USD. Một số dự án đáng chú ý như: Dự án Đầu tư tạo lập kho bãi để cho thuê của Công ty TNHH Nippon Konpo Việt Nam với vốn đầu tư 19 triệu USD; dự án của Công ty TNHH Meito Việt Nam cung cấp dịch vụ vận chuyển đường bộ với vốn đầu tư 14 triệu USD; Dự án Sản xuất dược phẩm của Công ty TNHH Nippon Chemiphar Việt Nam điều chỉnh tăng vốn thêm 25 triệu USD... 
 
Điểm lại có thể thấy, ngoài các dự án trong lĩnh vực bất động sản, thương mại, số dự án của doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực sản xuất có quy mô vốn lớn không nhiều. Trong bối cảnh dòng vốn đầu tư cho sản xuất đổ vào Việt Nam, trong đó có Bình Dương, để đón những cơ hội khi nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, thì các nhà đầu tư Nhật Bản có vẻ đang chậm chân.
 
Tại Bình Dương, từ đầu năm đến nay, nếu như nhiều nhà đầu tư đến từ Hoa Kỳ, Đài Loan, Hàn Quốc… được cấp phép hoặc triển khai xây dựng các dự án có quy mô vốn khá lớn trong lĩnh vực hạ tầng, công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may, các nhà đầu tư Nhật Bản vẫn đang tập trung vào các dự án có quy mô trung bình và nhỏ trong các lĩnh vực như dược phẩm, công nghiệp hỗ trợ… Do đó, có quan ngại rằng, thời gian tới, Nhật Bản sẽ không còn giữ được vị trí tốp đầu trong đầu tư các dự án tại Bình Dương và nhiều địa phương khác.
 
Về phía mình, chính quyền tỉnh Bình Dương cam kết tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư, xử lý kịp thời các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp Nhật Bản. Đơn cử, mới đây, các doanh nghiệp Nhật tại Khu công nghiệp VSIP II đã phản ánh việc bị mất điện đột ngột trong khoảng 30 phút, khiến đơn hàng không hoàn thành kịp tiến độ, nên bị khách hàng, đối tác phản ứng. Ngay sau đó, ngoài việc khắc phục sự cố, lãnh đạo điện lực tỉnh Bình Dương đã công khai gửi lời xin lỗi đến các doanh nghiệp này và cho biết, sắp tới sẽ lắp đặt thêm trạm, nâng cấp hệ thống cung cấp điện tại Khu công nghiệp VSIP II nhằm giảm thiểu các sự cố tương tự…
 
Tuy nhiên, để vốn Nhật giữ được vị thế dẫn đầu tại Bình Dương, thì rất cần những dự án sản xuất có quy mô lớn của các tập đoàn, thương hiệu hàng đầu của Nhật Bản. Không chỉ có số vốn đăng ký lớn, những dự án này còn có tác động lan tỏa, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội và kéo theo nhiều nhà đầu tư khác đến với Bình Dương.