Xuất khẩu lao động: Vẫn “ăn xổi ở thì”


Lao động VN tại Qatar đang nhậu - nét văn hóa không được chấp nhận tại Trung Đông - Ảnh: H.V.

Những yếu kém đó trong thời điểm kinh tế khó khăn hiện nay càng khiến XKLĐ của VN giảm sức cạnh tranh với các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines… Nhìn lại các thị trường XKLĐ, LĐ VN chủ yếu là LĐ phổ thông và “sở hữu” phần lớn công việc tay chân. Trong khi đó LĐ các nước như Philippines, Thái Lan… đều “chiếm lĩnh” các nhóm công việc quản lý, quản đốc, ngay công việc tay chân của họ cũng có phần nhẹ nhàng hơn.

Đào tạo: thả nổi

Mỗi năm Philippines xuất khẩu hàng triệu LĐ ra nước ngoài, nguồn ngoại tệ thu về gần 11 tỉ USD/năm. Trong khi đó VN chỉ dám đưa ra kế hoạch hằng năm đưa từ 70.000 - 100.000 LĐ ra nước ngoài làm việc với số ngoại tệ gửi về 1,7 tỉ USD/năm”. Một chuyên gia về XKLĐ so sánh và cho rằng: “Cơ quan quản lý phải có tầm nhìn và đưa ra chiến lược dài hơi cho công tác XKLĐ để không thực hiện kế hoạch từng năm và ăn xổi ở thì theo từng giai đoạn”.

“Người ta đào tạo nhân lực theo những quy chuẩn rõ ràng, trong khi ở ta công việc này rất bị động. DN khi có đơn hàng của nước nào thì đào tạo theo nhu cầu của đơn hàng nước đó” - một chuyên gia cho biết. Công tác đào tạo ngắn hạn và sơ sài khiến phần lớn LĐ khi qua nước ngoài làm việc không đáp ứng được yêu cầu. Việc giáo dục định hướng qua loa cũng khiến LĐ ít hòa nhập được với văn hóa nước bạn. Hậu quả: nguy cơ mất thị trường, hình ảnh người LĐ VN giảm sút.

Thực tế, LĐ VN giúp việc tại Đài Loan bị ngưng hẳn vì nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ việc không đáp ứng yêu cầu. Tại Trung Đông, một số LĐ VN… “nổi tiếng” uống rượu quậy phá và ăn thịt chó, mèo (văn hóa Hồi giáo không chấp nhận), trộm cắp vật liệu công trình. Thậm chí còn hình thành các băng nhóm xấu như băng móc túi tại Qatar, băng trộm cắp mỹ phẩm tại Nhật… Riêng hai thị trường có đông LĐ VN nhất là Đài Loan, Hàn Quốc cũng đã có số lượng LĐ trốn ra ngoài nhiều nhất.

Qatar đã từng tuyên bố không tiếp nhận LĐ VN. Trong cuộc khủng hoảng vừa qua, LĐ VN trở về nước nhiều nhất, có lẽ một số thị trường chọn “thải hàng kém chất lượng” trước.

Quản lý: bất cập

“Cơ quan quản lý XKLĐ một số nước trong khu vực chủ yếu nghiên cứu thị trường để tư vấn cho các DN và người LĐ. Trong khi ở VN cơ quan này can thiệp quá sâu vào hoạt động của các DN” - ông H.V., giám đốc chi nhánh Công ty XKLĐ H. - bức xúc. Ông này nêu một ví dụ: “Nếu DN muốn khai thác thị trường mới phải xin giấy phép tại Cục Quản lý LĐ ngoài nước.  Đây là một dạng thủ tục của giấy phép con, hạn chế hoạt động XKLĐ của DN”.

Việc thẩm định đơn hàng lâu nay của cơ quan quản lý cũng làm nhiều DN ta thán. Phó giám đốc một công ty XKLĐ thuộc Bộ LĐ-TB&XH (đã nghỉ hưu) nói: “Các DN khi tìm đơn hàng sẽ chịu trách nhiệm về đơn hàng đó với đối tác và người LĐ. Nhưng họ phải gửi đơn hàng đó cho cơ quan quản lý thẩm định lại, nếu được chấp thuận mới được phép triển khai”. Rõ ràng việc thẩm định đơn hàng, cơ quan quản lý cần xem xét lại bởi ngoài hai thị trường Malaysia, Đài Loan mới có ban quản lý LĐ, trong khi hầu hết các thị trường khác chưa có.

Lý giải điều này, một cán bộ của Cục Quản lý LĐ ngoài nước cho biết việc kiểm tra và thẩm định đối tác, đơn hàng tại những thị trường chưa có ban quản lý thì làm thông qua đại sứ quán VN tại nước đó. Tuy nhiên, đại sứ quán khi làm công việc này cũng chỉ là nhiệm vụ kiêm nhiệm chứ không chuyên trong lĩnh vực XKLĐ.

Trong khi can thiệp sâu và quản lý chặt các DN thì cơ quan quản lý lại giao hẳn việc quản lý LĐ cho các DN. Điều này gây thiệt hại lớn đến quyền lợi của người LĐ, bởi các DN luôn đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của người LĐ. Điển hình là tại thị trường nhạy cảm như Trung Đông, ngoài Airseco, hàng chục DN khác không đặt văn phòng đại diện tại đây. Khi có tranh chấp giữa LĐ với chủ sử dụng LĐ xảy ra, người LĐ chỉ biết tự cứu mình chứ khó trông chờ vào DN bảo vệ.

“Đã đến lúc cần đặt ban quản lý LĐ hoặc các tùy viên LĐ tại các nước có LĐ VN làm việc. Có như vậy quyền lợi người LĐ luôn được bảo vệ mà việc khai thác  thông tin thị trường sẽ thuận lợi hơn để tư vấn giúp DN và người LĐ” - một chuyên gia XKLĐ kiến nghị.