Xuất khẩu nông, lâm và thủy sản đạt 17,8 tỷ USD

Trong đó, giá trị XK các mặt hàng nông sản chính ước đạt 8,56 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2015; giá trị XK thủy sản ước đạt 3,65 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2015; giá trị XK các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 3,98 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2015.
Kết quả cụ thể một số mặt hàng chủ yếu như sau:
 
Khối lượng gạo XK tháng 7 ước đạt 274.000 tấn với giá trị đạt 120 triệu USD, đưa khối lượng XK gạo 7 tháng ước đạt 2,93 triệu tấn và 1,32 tỷ USD, giảm 18,4% về khối lượng và giảm 14,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
 
Giá gạo XK bình quân 6 tháng đầu năm 2016 đạt 451 USD/tấn, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2015.
 
Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong 6 tháng qua với 35,1% thị phần, đạt 912,1 triệu tấn và 420,2 triệu USD, giảm 23% về khối lượng và giảm 13,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
 
Indonesia - thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2016 chiếm 11,6% thị phần, đạt 351 triệu tấn và 139,3 triệu USD, tăng 34,8% về khối lượng và 28,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
 
Các thị trường khác có giá trị tăng mạnh là Ghana (41%) và Bờ Biển Ngà (31,3%). Các thị trường có giá trị giảm mạnh là Philippines (54,3%), Malaysia (59,2%) và Singapore (34,6%).
 
XK cà phê trong tháng 7 ước đạt 142.000 tấn với giá trị đạt 269 triệu USD, đưa khối lượng XK cà phê 7 tháng năm 2016 đạt 1,13 triệu tấn và 1,98 tỷ USD, tăng 38% về khối lượng và tăng 18% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Giá cà phê XK bình quân 6 tháng đầu năm đạt 1.735 USD/tấn, giảm 15,6% so với cùng kỳ năm 2015.
 
Đức và Mỹ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 6 tháng qua với thị phần lần lượt là 15,5% và 13%.
 
Giá trị XK cà phê trong 6 tháng đầu năm ở hầu hết các thị trường chính của Việt Nam đều tăng so với cùng kỳ năm 2015, ngoại trừ thị trường Tây Ban Nha có giá trị giảm (10,3%) so với cùng kỳ năm 2015. Các thị trường có giá trị XK cà phê tăng mạnh là Philippines (63,7%), Trung Quốc (53,5%), Algeria (53,5%), Hoa Kỳ (39,1%), Đức (23,2%) và Nhật Bản (14%).
 
Gỗ và sản phẩm gỗ được ước tính có giá trị XK trong tháng 7 đạt 581 triệu USD, đưa giá trị XK gỗ và các sản phẩm gỗ 7 tháng năm 2016 đạt 3,8 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2015.
 
Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc là 3 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2016, chiếm 68% tổng giá trị XK. Các thị trường có giá trị tăng là Hoa Kỳ (5,3%), Trung Quốc (3,5%), Hàn Quốc (18,5%), Anh (11,2%), Australia (9,1%) và Hà Lan (3,2%).
 
Giá trị XK thủy sản tháng 7 ước đạt 564 triệu USD, đưa giá trị XK thủy sản 7 tháng qua đạt 3,65 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2015. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 6 tháng đầu năm, chiếm 53% tổng giá trị XK thủy sản.
 
Các thị trường có giá trị XK thủy sản tăng mạnh là Hoa Kỳ (11%), Trung Quốc (55,1%), Thái Lan (7,7%) và Hà Lan (7,3%).