Xuất khẩu VN dựa quá nhiều vào sản phẩm thô

Xuất khẩu VN dựa quá nhiều vào sản phẩm thô

 Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, nghiên cứu giúp xác định các ngành hàng, dịch vụ có tiềm năng xuất khẩu trong tương lai, từ đó giúp cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp định hướng cho hoạt động trong thời gian tới.

Kết quả nghiên cứu của nhóm chuyên gia dự án do chính phủ Thụy Sĩ và Thụy Điển tài trợ cho thấy các mặt hàng tiềm năng xuất khẩu cao của VN có sắn, cà phê, mây tre lá, cao su, gốm sứ, cá tra, du lịch... Nhóm có tiềm năng xuất khẩu thấp gồm gạo, mía đường...

Cụ thể, theo nhóm nghiên cứu, sắn là cây trồng dễ thích nghi, dễ trồng ở VN. Thị phần sắn VN trên thị trường thế giới đạt 27,3%. Thị trường sắn xuất khẩu ngày càng được mở rộng từ con số 59 nước và vũng lãnh thổ năm 2009 đã lên đến khoảng gần 100 nước và vũng lãnh thổ vào năm 2012 cần nhập.

 

Về dịch vụ du lịch, báo cáo khuyến nghị nền ẩm thực phong phú và thu hút của VN, đặc biệt miền Bắc cần xây dựng được thương hiệu cho các món ăn đặc sắc của vùng để hấp dẫn được khách quốc tế. Khẩu vị các món ăn còn thuần túy địa phương cần được cải tiến phù hợp với khẩu vịcủa khách quốc tế.

 

Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu sắn chủ yếu của VN vẫn là Trung Quốc với 85% tổng giá trị xuất khẩu ngành sắn Việt Nam. Để đẩy mạnh xuất khẩu sắn trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu cho rằng VN cần ưu tiên đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Gốm sứ cũng là một trong những mặt hàng có thế mạnh của VN nhờ tận dụng lợi thế cạnh tranh về nguyên liệu, tay nghề và truyền thống sản xuất. VN cũng nên tập trung phát triển ngành này, và cần hỗ trợ lập trung tâm để đảm bảo chất lượng nguyên liệu đồng đều…

Báo cáo cũng đưa ra hai cảnh báo. Thứ nhất, dù xuất khẩu tăng nhanh nhưng tỷ trọng xuất khẩu của các thành phần kinh tế trong nước ngày càng giảm. Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI chủ yếu làm gia công xuất khẩu với phần lớn nguyên vật liệu nhập khẩu. Họ có rất ít kết nối với các doanh nghiệp trong nước.

Nói cách khác, các doanh nghiệp FDI đầu tư mạnh vào VN chỉ để giải bài toán về lao động, tận dụng lao động giá rẻ của VN. Đóng góp của FDI trong việc cải tiến công nghệ và nâng cao năng lực sản xuất, vì vậy, vẫn không đáng kể. VN không thể phát triển bền vững nếu chỉ dựa vào khối FDI.

Thứ hai, cơ cấu xuất khẩu của VN dựa quá nhiều vào các sản phẩm thô, thâm dụng tài nguyên, thâm dụng lao động, có giá trị gia tăng thấp. 

“Kinh nghiệm của các nước chỉ ra rằng nếu cơ cấu xuất khẩu chỉ tập trung vào một số ngành hàng, đặc biệt là những hàng hóa thô, thì khó có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững trên diện rộng”, báo cáo viết.

 

 

Xuất khẩu điện, điện tử: tiềm năng cao nhưng không bền vững

Báo cáo cũng đánh giá về việc phát triển ngành điện tử của VN. Vài năm gần đây, đặc biệt từ khi các hãng điện tử lớn như Intel, Nokia, 

Samsung
 đầu tư nhà máy lắp ráp tại VN thì kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này tăng mạnh, chỉ trong vòng một năm, từ một nước chỉ có vài trăm ngàn USD xuất khẩu lên nhóm các nước xuất khẩu hàng điện tử lớn nhất thế giới.

 

Trên thế giới, nhu cầu về các sản phẩm điện tử vẫn còn rất lớn. Năm 2012, kim ngạch nhập khẩu của thế giới đạt 2.334 tỉ USD. Tiềm năng xuất khẩu của các mặt hàng điện tử của VN được đánh giá cao.

Tuy nhiên, báo cáo cảnh báo VN cần lưu tâm đến tính bền vững của ngành. Ngành điện tử VN nói chung và của khu vực miền Bắc nói riêng vẫn chỉ dừng ở mức gia công, lắp ráp,  phụ thuộc hoàn toàn vào các doanh nghiệp nước ngoài ở cả thị trường xuất khẩu và thị trường trong nước.

Các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực điện tử đều là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, đặt cơ sở tại VN để tận dụng nguồn lao động phổ thông giá rẻ. Một khi thế mạnh về lao động không còn, các doanh nghiệp này rất dễ dàng đóng cửa nhà máy, rút lui khỏi thị trường VN do không còn gì ràng buộc, giữ chân.