Y tế, giáo dục chưa tiêu một đồng trái phiếu
Kết quả này chỉ đạt 15% kế hoạch giải ngân vốn trái phiếu năm 2009. Trong khi đó, theo Bộ KH-ĐT, kế hoạch giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ năm 2009 đã được triển khai sớm hơn so với năm 2008. Hầu hết, các bộ ngành, địa phương đều bắt tay ngay vào việc.
Đặc biệt, việc giải ngân vốn năm nay có thuận lợi lớn do đa số, các dự án đã hoàn thành về thủ tục hành chính, giờ chuyển sang thi công thực tế.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã ban hành cơ chế thoáng, cho phép thanh toán trước, kiểm soát và thẩm tra kế hoạch sau nhằm tạo điều kiện tối đa cho các chủ đầu tư giải ngân. Tuy nhiên, kết quả đạt được trong 5 tháng qua thật khiêm tốn. Các bộ ngành Trung ương giải ngân đạt 3.830 tỷ đồng, bằng 22,8% kế hoạch năm, các địa phương đạt 1.563 tỷ đồng, bằng 8,2% kế hoạch. So với tháng 4, tiến độ triển khai nguồn vốn này khá ì ạch, chỉ nhích thêm 4,6% kế hoạch.
Đáng chú ý, hai ngành y tế và giáo dục chưa sử dụng đồng nào nguồn vốn trái phiếu Chính phủ được giao năm nay, hiện vẫn đang loay hoay để hấp thụ vốn của năm 2008.
Đối với y tế, đến hết tháng 4 vừa qua, các địa phương mới giải ngân 2.188 tỷ đồng trong tổng số 3.775 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ được bố trí năm 2008, đạt 57% kế hoạch.
Nếu cộng thêm 3.000 tỷ đồng được giao thực hiện năm 2009 thì kết quả giải ngân trên chỉ đạt 32% kế hoạch.
Đến nay, mới có 4 tỉnh thực hiện hết vốn trái phiếu năm 2008 là Bắc Ninh, Bắc Kạn, Phú Thọ, Quảng Ninh, 12 tỉnh thực hiện được 80% kế hoạch, 18 tỉnh giải ngân thấp dưới 30%.
Lĩnh vực giáo dục cũng mới tiêu được 2.820 tỷ đồng, bằng 74,7% kế hoạch của năm 2008. Nếu tính thêm 3.000 tỷ đồng được giao cho năm nay thì tỷ lệ giải ngân vốn mới đạt 41,6%.
Trong lĩnh vực này, mới có 8 tỉnh giải ngân hết nguồn vốn năm 2008, 19 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ 80%, 5 tỉnh đạt được 20%.
Kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giao cho các bộ, ngành, địa phương năm nay là 36.000 tỷ đồng. Từ nay đến cuối năm, cả nước sẽ phải giải ngân 30.610 tỷ đồng.
Bình quân 7 tháng tới, mỗi tháng phải giải ngân được 4.372 tỷ đồng. Trong khi đó, 5 tháng đầu năm, bình quân mỗi tháng cả nước chỉ giải ngân được hơn 1.078 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Bộ KH-ĐT đã dự kiến đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội phương án phát hành thêm 20.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ. Đây sẽ là một thách thức lớn trong bối cảnh triển khai các nguồn vốn đảm bảo hiệu quả kích cầu đầu tư.