AFW tư vấn mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất thêm hơn 853 ha
Diện tích ban đầu của Dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất được phê duyệt 306 ha, gồm 110 ha mặt đất và 196 ha mặt biển, tuy nhiên trong quá trình triển khai hợp đồng thiết kế tổng thể (FEED), phía đơn vị tư vấn - Công ty Amec Foster Wheeler Energy Limited (AFW-Anh) đã đề nghị chủ đầu tư bổ sung 853,48 ha diện tích cho dự án, trong đó có 170,48 ha mặt đất và 683 ha mặt biển.
Giải thích về vấn đề này, ông Nguyễn Việt Thắng - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Trưởng Ban quản lý dự án nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất cho biết, hiện BSR chưa có quyết định cuối cùng diện tích bổ sung cụ thể là bao nhiêu.
“Diện tích bổ sung trên đất liền cho dự án ước tính khoảng từ 50-70 ha, và phần diện tích đó chi phí đền bù không cao vì chủ yếu là cây xanh do người dân trồng”, ông Nguyễn Việt Thắng cho biết.
Hiện Ban quản lý dự án nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất đã ký hợp đồng với Liên danh nhà thầu thi công rà phá bom mìn, vật nổ gói thầu 8b. Liên danh nhà thầu đã hoàn thành rà phá 90% diện tích trên cạn.
Đối với phần rà phá bom mìn trên biển, theo báo cáo của đơn vị tư vấn, tuyến ống dầu thô và SPM (phao nhập dầu thô từ ngoài khơi) có hướng tuyến và vị trí được bố trí khác biệt so với phương án tư vấn sơ bộ vì vậy chưa triển khai công tác thi công rà phá bom mìn, vật liệu nổ cho phần diện tích trên biển này.
Cũng theo ông Nguyễn Việt Thắng, công tác đền bù giải phóng mặt bằng đã hoàn thành trên 90%, hợp đồng FEED đã triển khai được khoảng 26% khối lượng công việc. Hiện đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu cung cấp bản quyền công nghệ cho 7/7 phân xưởng.
Toàn bộ công nghệ lựa chọn đều là công nghệ tiên tiến hiện đại nhất từ các nước Pháp, Mỹ, Italy, Hà Lan... Nhà thầu thiết kế tổng thể AFW cũng đang chuẩn bị chiến lược lựa chọn nhà thầu EPC cho dự án, lập tổng dự toán và triển khai thiết kế các hạng mục công nghệ, các công trình phụ trợ và công trình biển.
Dự kiến, công tác giải phóng mặt bằng sẽ hoàn thành trong tháng 7/2016 và các hạng mục thu xếp vốn, mở thầu hiện BSR/DQRE đang nhận được sự chỉ đạo sát sao của PVN để tiến hành lựa chọn Nhà tư vấn thu xếp tài chính cho dự án dự kiến cũng sẽ hoàn thành trong thời gian tới. Hiện theo dự án đã được phê duyệt, 30% tổng nguồn vốn của dự án là của nhà đầu tư và 70% là vốn vay (50% là vốn vay từ nguồn quỹ tín dụng xuất khẩu, 50% còn lại là vay thương mại).
Năm 2015, Dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được Chính phủ chấp nhận với công suất chế biến Nhà máy tăng từ 6,5 lên 8,5 triệu tấn dầu thô/năm, tương đương 192.000 thùng dầu/ngày, tăng khoảng 30%. Sau khi hoàn thành, nhà máy sẽ chế biến được các chủng loại dầu thô thông dụng trên thế giới.
Dự án có tổng vốn đầu tư trên 1,8 tỷ USD sẽ được thực hiện trong 78 tháng, dự kiến hoàn thành trong năm 2021. Đến nay, dự án đã triển khai được 13/78 tháng.