Các KCN ở Cần Thơ có nguy cơ đóng cửa
TP Cần Thơ hiện có sáu khu công nghiệp (KCN) tập trung với 141 dự án đang hoạt động, đa phần thuộc lĩnh vực sản xuất, chế biến. Nhưng sau hơn 10 năm hình thành, các KCN này vẫn chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung. Trong khi đó, theo Thông tư 08/2009 của Bộ TN&MT, đến ngày 31-12-2010, các KCN đã và đang hoạt động chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung phải tiến hành đầu tư, xây dựng ngay nếu không sẽ bị buộc đóng cửa.
Nhiều doanh nghiệp “có vấn đề” về nước thải
Theo đánh giá của ngành chức năng, hiện sáu KCN tập trung của TP Cần Thơ đều đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng vẫn chưa thực hiện đầy đủ các nội dung của quyết định phê duyệt và báo cáo đánh giá tác động môi trường (chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung). Tuy nhiều DN đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải cục bộ nhưng việc vận hành như thế nào thì ngành chức năng rất khó kiểm soát.
Ban Quản lý các khu chế xuất và KCN TP Cần Thơ (BQL KCX&KCN) đánh giá, tại KCN Trà Nóc có 33 DN có vấn đề về nước thải, trong số này 24 DN đã xây dựng nhà máy xử lý nước thải cục bộ; 22 DN có phát sinh khí thải gây mùi hôi… Chính vì tình trạng ô nhiễm môi trường ở các KCN Trà Nóc 1 và 2 đang trở nên gay gắt, tác động đến môi trường chung quanh nên vừa qua, BQL KCX&KCN Cần Thơ đã thống nhất với quận Ô Môn chi 3,6 tỉ đồng để đầu tư hệ thống nước sạch cho người dân tại phường Phước Thới, quận Ô Môn. Trong đó, Công ty Xây dựng hạ tầng KCN Cần Thơ đầu tư 1 tỉ đồng, ngân sách quận Ô Môn chi 250 triệu đồng, phần còn lại của Trung tâm Nước sạch TP. Việc đầu tư hệ thống nước sạch nhằm góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho người dân lân cận KCN, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt gia đình.
Nhiều dự án vẫn nằm trên giấy
Theo quy định, công ty đầu tư, kinh doanh hạ tầng KCN phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và đầu tư hệ thống xử lý nước thải chung trước khi mời gọi nhà đầu tư thứ cấp. Nhưng ở Cần Thơ, trong quá trình triển khai dự án, nhà đầu tư hạ tầng gần như chỉ quan tâm đến việc thu hút nhà đầu tư để nhanh chóng lấp đầy diện tích, còn việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung lại bị bỏ quên.
Mặt khác, bản thân một số chủ đầu tư hạ tầng KCN cũng chưa mặn mà và còn tâm lý ngán ngại trong việc đầu tư nhà máy xử lý nước thải tập trung do đầu tư tốn kém, khó thu hồi vốn… Điển hình là các KCN Trà Nóc 1 và 2. Được biết, báo cáo đánh giá tác động môi trường của các KCN này đã được Bộ TN&MT phê duyệt từ năm 2000 nhưng đến nay Công ty Xây dựng hạ tầng KCN Cần Thơ (đơn vị đầu tư hạ tầng) vẫn chưa xây dựng nhà máy xử lý nước thải. Đến khi “nước đến chân”, thời hạn theo quy định tại Thông tư 08/2009 sắp hết, dự án nhà máy xử lý nước thải vẫn còn nằm trên giấy.
Vừa qua đã có ý kiến đề nghị UBND TP Cần Thơ xem xét, kiến nghị Chính phủ gia hạn thời gian xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung cho các KCN tại TP Cần Thơ. Nhưng theo ông Nguyễn Minh Thế - Phó Giám đốc Sở TM&MT TP Cần Thơ: “Vấn đề nhà máy xử lý nước thải tập trung cho KCN Trà Nóc 1, Trà Nóc 2 đã bàn nhiều, giờ phải thực hiện nhanh chóng và quyết liệt. Việc gia hạn thời gian, Sở không thể tham mưu được”.
Ngoài KCN Trà Nóc 1, Trà Nóc 2, đến nay các KCN còn lại (dù chưa hoàn tất nhưng đã có DN vào sản xuất, kinh doanh) cũng đang loay hoay với chuyện xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung. Như KCN Thốt Nốt đã có dự án với quy mô xử lý 5.000 m3/ngày đêm với số vốn đầu tư dự kiến khoảng 25 tỉ đồng nhưng vẫn bế tắc vì không kêu gọi được đầu tư. Các KCN Hưng Phú 1, Hưng Phú 2A cũng không khả quan hơn. Như vậy, nguy cơ các KCN ở Cần Thơ phải đóng cửa đang hiển hiện trước mắt.