Chiến lược phát triển khu công nghiệp nhìn từ Viglacera
Xuất phát từ những định hướng đó, Viglacera đã tập trung hoạt động trong các lĩnh vực đầu tư vào phát triển khu công nghiệp và bất động sản dân dụng. Qua quá trình phát triển Viglacera đã có 20 dự án trong lĩnh vực bất động sản, đặc biệt riêng trong lĩnh vực khu công nghiệp có 6 dự án đã và đang và thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Các khu công nghiệp của Viglacera có tổng diện tích 1.682ha, đều nằm trong tam giác phát triển kinh tế của miền Bắc Việt Nam: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Tất cả 6 khu công nghiệp đều nằm trên các tuyến quốc lộ huyết mạch của Việt Nam như Quốc lộ 1, Quốc lộ 2, Quốc lộ 18 với đầy đủ hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và hiện đại, hạ tầng dịch vụ và xã hội hoàn chỉnh, do đó được đánh giá là các khu công nghiệp hàng đầu tại Việt Nam.
Hút trên 1,8 tỷ USD vốn FDI
Các thành quả từ việc thu hút FDI của Viglacera mang lại thể hiện trên nhiều mặt như góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững và trở thành động lực cho sự phát triển chung của các tỉnh, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, tăng tỷ lệ đóng góp của công nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội; tăng thu ngân sách nhà nước, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần hiện đại hóa công nghiệp hóa kinh tế địa phương nhờ tăng tỷ trọng công nghiệp, thu hút khoa học công nghệ mới, đảm bảo phát triển và bảo vệ tài nguyên, môi trường, đặc biệt là thu hút lao động địa phương....
Hiện nay, trong lĩnh vực phát triển khu công nghiệp, các khu công nghiệp của Viglacera đã và đang thu hút hơn 200 nhà đầu tư hoạt động trên các lĩnh vực, trong đó riêng các doanh nghiệp nước ngoài chiếm khoảng 55 doanh nghiệp.
Với tổng vốn đầu tư trên 1,8 tỷ USD, tính đến nay, các doanh nghiệp nước ngoài đã tạo ra gần 50.000 công ăn việc làm lao động cho người lao động trên địa bàn các tỉnh có khu công nghiệp của Viglacera. Đóng góp vào ngân sách nhà nước trên 45 triệu USD tiền thuế các loại.
Ngoài ra, các doanh nghiệp nước ngoài còn giúp phát triển nền khoa học công nghệ thông qua việc mang vào các công nghệ mới phục vụ sản xuất mà dẫn đầu là Samsung với công nghệ phát triển điện thoại di động thông minh, ABB với công nghệ chế tạo máy biến thế, Ariston với công nghệ sản xuất bình nước nóng, Canon với công nghệ chế tạo máy in thân thiện môi trường…
Chiến lược đầu tư bài bản
Có nhiều lý do khách quan và chủ quan giúp mang lại những thành quả này cho Viglacera. Về khách quan, trước hết nhờ có chủ trương của Đảng và Nhà nước hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi trong thu hút FDI, có nền tảng cơ sở tốt. Mặt khác, các bộ ngành, chính quyền địa phương hỗ trợ tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư. Nhân dân địa phương ủng hộ trong việc tạo điều kiện nhanh chóng về giải phóng mặt bằng, đền bù đất đai.
Bên cạnh đó, không thể thiếu những lý do chủ quan mà trong đó những nỗ lực của Viglacera chính là đòn bẩy quan trọng góp phần tăng tính cạnh tranh trong thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đến với các khu công nghiệp của mình.
Là một tổng công ty trực thuộc Bộ Xây dựng, là nhà đầu tư về phát triển khu công nghiệp, Viglacera đã và đang xây dựng các khu công nghiệp của mình thành một “vòng tròn”, giúp các doanh nghiệp và công nhân ổn định làm ăn lâu dài và được coi là một mô hình tốt cho các nhà phát triển khu công nghiệp hướng tới.
Để thu hút các các thương hiệu có tên tuổi trên thế giới thuê mặt bằng xây dựng nhà máy tại khu công nghiệp, Viglacera đã có những chiến lược đầu tư bài bản, xây dựng đồng bộ, hiện đại các công trình hạ tầng kỹ thuật cho các khu công nghiệp. Mặt khác, Viglacera còn rất chú trọng phát triển đồng bộ hạ tầng xã hội (dịch vụ xã hội, khu vui chơi giải trí), nhà ở cho công nhân, cho chuyên gia.
Công tác quản lý vận hành từ thu hút nhà đầu tư đến xây dựng nhà máy đến đi vào sản xuất cũng đều được tạo điều kiện, phục vụ, hỗ trợ tận tình chu đáo; cơ chế một cửa, miễn phí; các dịch vụ đầy đủ đồng bộ gồm ngân hàng, hải quan, thuế, bưu chính viễn thông, kho vận.
Đặc biệt với lợi thế có riêng trường cao đẳng nghề cung ứng nguồn nhân lực của Viglacera sẽ giúp nhà đầu tư rút ngắn thời gian đào tạo. Điều đáng chú ý nữa đối với các doanh nghiệp nước ngoài là được chính quyền địa phương hoàn toàn ủng hộ, giữ gìn an ninh trật tự tốt nên nhà đầu tư yên tâm sản xuất.
Khu công nghiệp Tiên Sơn - Bắc Ninh: Quy mô diện tích 350ha, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 98%, với 35 doanh nghiệp nước ngoài trong đó có các doanh nghiệp lớn như Canon, Sumitomo, Nissin, THK, Acecook, ABB, Ariston…
Khu công nghiệp Yên Phong - Bắc Ninh: Tổng diện tích 658,7ha; giai đoạn 1 với diện tích 351,3ha, tỷ lệ lấp đầy trên 70%.
Đây được cho là khu công nghiệp của các nhà đầu tư Hàn Quốc với trên 15 doanh nghiệp có tên tuổi, trong có Tập đoàn Samsung đã xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại di động thông minh (smartphone) hiện đại và lớn nhất thế giới với tổng số vốn đầu tư nước ngoài FDI trên 2,5 tỷ USD, tạo việc làm cho hơn 40.000 công nhân viên làm việc tại nhà máy. Ngoài ra còn có các tập đoàn lớn của Hàn Quốc như Orion, Intop, Flexcom, Emtech…
Khu công nghiệp Hải Yên - Móng Cái, Quảng Ninh: Tổng diện tích 182,4ha, nằm trong Đặc khu kinh tế Móng Cái - Hải Hà, với 5 nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động, phần lớn là các doanh nghiệp Trung Quốc, trong đó riêng dự án của Tập đoàn Tex Hong với nhà máy Texhong Ngân Long (Hongkong - Trung Quốc) là dự án đầu tư lớn nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh với tổng vốn đầu tư trên 300 triệu USD và tạo việc làm cho hơn 5.000 công nhân viên.
Khu công nghiệp Đông Mai - Quảng Yên, Quảng Ninh: Tổng diện tích trên 160ha. Hiện đã có Tập đoàn Yazaki của Nhật Bản đầu tư với số vốn đầu tư trên 35 triệu USD, rất nhiều các doanh nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc đang rất quan tâm đến KCN này và đang tiến hành khảo sát và chuẩn bị kế hoạch đầu tư trong thời gian tới.
Khu công nghiệp Nam Sơn - Hạp Lĩnh (200 ha) - Bắc Ninh, khu công nghiệp Phong Điền – Thừa Thiên Huế (300ha): Đón đầu làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài và nhằm đáp ứng nhu cầu thuê đất của các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp FDI nói riêng, Viglacera đang tiếp tục đầu tư phát triển 2 khu công nghiệp này.