Chủ đầu tư được lập quy hoạch thay nhà nước

Đồng thời đề xuất nhiều cải tiến trong thủ tục hành chính ở lĩnh vực này. Trong đó, trọng tâm là ở các khâu lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng.

Theo quy định hiện hành, địa phương phải lập quy hoạch chi tiết xây dựng 1/2000 để chủ đầu tư căn cứ vào đó lập quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 của dự án phù hợp với quy hoạch 1/2000 đã được phê duyệt. Tuy nhiên, trong thực tế nhiều khu vực chưa có quy hoạch 1/2000 nên thiếu cơ sở để chủ đầu tư lập quy hoạch 1/500.

“Để đẩy nhanh quá trình đầu tư, đảm bảo đồng bộ, thống nhất hạ tầng chung của toàn khu vực thì chính quyền địa phương tổ chức lập quy hoạch hoặc giao cho một nhà đầu tư tổ chức lập quy hoạch và trình duyệt theo quy định. Cơ quan quản lý nhà nước về quy hoạch có trách nhiệm cung cấp nhiệm vụ quy hoạch cho nhà đầu tư để làm cơ sở cho việc lập quy hoạch cũng như thẩm định, phê duyệt quy hoạch” - Bộ Xây dựng đề xuất.

Đối với khu vực hoặc dự án độc lập có diện tích dưới 50 ha nhưng chưa có quy hoạch 1/2000, Bộ Xây dựng kiến nghị tùy theo từng trường hợp, địa phương có thể cho phép nhà đầu tư chỉ lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500.

Bộ Xây dựng cũng đề xuất thực hiện cơ chế một cửa trong quá trình thẩm định quy hoạch 1/500. Theo đó, cơ quan thẩm định quy hoạch phải lấy ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng, môi trường, quốc phòng, hạ tầng kỹ thuật...

Chủ đầu tư không phải đến từng cơ quan để xin ý kiến như trước đây. Các bước tiếp theo như thẩm định dự án, giao đất, cho thuê đất không phải lấy ý kiến của các cơ quan này nữa.

Bộ Xây dựng cũng đề nghị Thủ tướng yêu cầu các địa phương bãi bỏ tám thủ tục do địa phương tự đặt ra không đúng quy định. Đó là: Xác nhận đất không có tranh chấp, khiếu kiện; thỏa thuận của UBND cấp huyện hoặc xã về địa điểm của dự án; chấp thuận đề cương nhiệm vụ đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500.

Bộ đề nghị bỏ thủ tục chấp thuận lập nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500; chấp thuận của Sở Quy hoạch-Kiến trúc hoặc Sở Xây dựng, UBND quận, huyện về ranh giới, mốc giới và diện tích ô đất để lập quy hoạch chi tiết xây dựng và lập dự án; chấp thuận chỉ giới đường đỏ và các số liệu hạ tầng kỹ thuật; chấp thuận phương án kiến trúc.

Ngoài ra, Bộ cũng đề nghị bỏ việc yêu cầu chủ đầu tư đi xin ý kiến của nhiều cơ quan như cấp điện, nước, môi trường, phòng cháy, chữa cháy, di tích lịch sử-văn hóa... khi thẩm định quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, thẩm định thiết kế cơ sở.