Doanh nghiệp FDI ở Đồng Nai: Tìm cách vượt qua khó khăn

Ông Nguyễn Xuân Trung - Cục phó Cục Đầu tư nước ngoài cho biết,khó khăn đã rõ, song để sự hỗ trợ của Chính phủ đến được nơi cần đến, thì việc cần theo dõi và quản lý sát quá trình thực hiện các gói giải pháp kích cầu là quan trọng. Mặt khác, để đạt được kế hoạch về thu hút vốn FDI trong năm 2009, các địa phương cần nỗ lực hơn nữa trong việc hoàn thiện môi trường đầu tư, thực hiện các thủ tục và chính sách minh bạch, rõ ràng. Đối với các DN FDI, thời gian luôn là tiền bạc nên cần thiết nhất là phải nhanh chóng, kịp thời. Có như vậy, mục tiêu đạt 20-25 tỷ USD trong thu hút vốn FDI của Việt Nam năm 2009 mới có thể đạt được.

Ngay trong những tháng đầu năm, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã có những tác động xấu đến tình hình thu hút vốn FDI của Đồng Nai. Qua 3 tháng đầu năm, Đồng Nai chỉ có 3 dự án được cấp mới vào các KCN Tam Phước và Nhơn Trạch 3 với tổng vốn hơn 6,8 triệu USD, bằng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái và chỉ có 5 dự án điều chỉnh tăng vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh với tổng vốn tăng thêm là 12,8 triệu USD, so với quý 1 năm trước là 22 dự án với tổng vốn tăng hơn 190 triệu USD.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai, tình hình thu hút đầu tư nước ngoài cả trong lẫn ngoài KCN trong 2 tháng đầu năm chỉ bằng 16,3% so với cùng kỳ. Tính đến cuối tháng 2, tổng vốn đăng ký cấp mới và dự án tăng vốn là 40,87 triệu USD, đạt 2% trong kế hoạch thu hút 2 tỉ USD vốn FDI của năm 2009. So với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai đang xếp sau, bởi 2 địa phương trên trong 2 tháng đầu năm đã thu hút được một số dự án lớn với số vốn đăng ký hàng trăm triệu USD. 

Qua khảo sát nhanh về ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu đến tình hình sản xuất của DN do Ban Quản lý các KCN Đồng Nai thực hiện trên 260 DN vào tháng 12/2008 cho thấy phần nào thực trạng khó khăn của các DN FDI. Theo đó, 180/260 DN cho biết, hoạt động kinh doanh gặp khó vì khủng hoảng, có thể đến hết năm 2009. Đặc biệt, khó khăn hiển thị rõ nhất là các DN sản xuất hàng xuất khẩu đi các nước châu Âu và Mỹ. Đối với kế hoạch kinh doanh 2009, 71% DN cho biết sẽ cố gắng duy trì mức sản xuất như hiện nay, 19% DN giảm lao động, thu hẹp sản xuất vì không có đơn hàng và chỉ 10% DN cho biết sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất. Tình trạng xin giãn tiến độ ở các DN FDI mới được cấp phép cũng bắt đầu xuất hiện ở các KCN. Khá nhiều DN xin giãn thời gian thực thi các cam kết về xây dựng nhà xưởng, thời gian hoạt động... vì thị trường bị thu hẹp.

Chủ tịch Hiệp hội Các DN Nhật Bản tại Đồng Nai, ông Yoshikawa Hisao cho biết,hiệp hội có 50 thành viên và đại đa số đều đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Khó khăn nhất phải kể đến các DN hoạt động trong ngành sản xuất và lắp ráp xe hơi, linh kiện điện tử. Đơn hàng của họ giảm từ 50-70% so với quý 4/2008. Tiếp đến là các DN ngành điện, điện tử với mức sút giảm đơn hàng khoảng 50%, trừ các DN sản xuất hàng điện tử để bán trên thị trường nội địa như Sanyo. Một số DN khác hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất thực phẩm, may mặc, hàng tiêu dùng... thì không quá khó khăn. Tuy nhiên, sắp tới, không có một DN Nhật Bản nào tại Đồng Nai có kế hoạch phát triển sản xuất, hầu hết chỉ cố gắng cầm cự để vượt qua khó khăn.

Tại cuộc họp mặt các DN FDI trên địa bàn với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) và Tổng cục Thuế diễn ra vào cuối tuần qua, phần lớn các DN FDI đều than phiền về chính sách, thủ tục. Nhiều câu hỏi của DN xoay quanh các chính sách thuế, hải quan, thủ tục và điều kiện để được vay vốn hỗ trợ lãi suất trong gói kích cầu của Chính phủ.

Đại diện DN Splendour ở KCN Nhơn Trạch 1 cho biết, DN rất muốn được vay vốn hỗ trợ lãi suất để trả lương cho người lao động. Tuy nhiên, DN lại không nằm trong đối tượng được vay vốn kích cầu vì có đến 1.300 công nhân và vốn điều lệ trên 10 tỷ đồng. Hiện DN rất khó khăn và mong muốn được vay ưu đãi dưới mọi hình thức khoảng 4-5 tỷ đồng để giải quyết tiền lương, duy trì việc làm cho người lao động tới tháng 6 vì đến lúc đó, DN sẽ có đơn hàng mới... Còn theo đại diện DN Two J Vina chuyên sản xuất khăn, áo xuất khẩu tại thị xã Long Khánh, công ty này đang gặp khó khăn vì đơn hàng giảm sút và 600 công nhân hiện tại có nguy cơ sẽ bị sa thải bớt. Rất may là sau đó công ty đã nhận được đơn đặt hàng sản xuất nón xuất khẩu.

Ông Henry Cheng - Chủ tịch Hiệp hội Các DN Đài Loan tại Đồng Nai thì cho rằng:Cũng như nhiều DN FDI khác, các DN Đài Loan hầu hết đang phải sản xuất cầm chừng vì thiếu đơn hàng và thị trường bị thu hẹp. Các DN trong hiệp hội đều đang bị giảm đơn hàng từ 20-60%. Trong đó, nặng nề nhất là các DN hoạt động trong ngành chế biến gỗ. Ngoài ra, có khoảng 20% DN phải thu hẹp sản xuất và khoảng 20% số lượng lao động làm việc tại các DN đã bị cắt giảm. Ngoài những khó khăn điển hình do cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu mang đến, các DN Đài Loan ở Đồng Nai hiện nay đang có nhiều vướng mắc về các thủ tục thuế. Đối với các gói giải pháp kích cầu của Chính phủ Việt Nam, các DN Đài Loan tiếp cận tốt và cũng được hỗ trợ rất nhiều. Có khoảng 1/2 số DN Đài Loan tại Đồng Nai được hưởng ưu đãi từ các chính sách trên.

Một điều khích lệ đối với DN FDI nói riêng và các DN nói chung đang hoạt động ở Đồng Nai là tỉnh đã công bố quyết định thành lập ban hành động hỗ trợ DN vượt qua khó khăn. Theo đó, ban hành động này có nhiệm vụ theo dõi, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của DN trong sản xuất kinh doanh và thực hiện các gói giải pháp kích cầu của Chính phủ, đồng thời có giải pháp hỗ trợ kịp thời cho DN trong thời gian sớm nhất./.