Dự án Nhiệt điện Kiên Lương 1: Ngoại sốt sắng, nội thờ ơ

 Dự án BOT Nhà máy Nhiệt điện Kiên Lương 1 được Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương) và Công ty cổ phần Năng lượng Tân Tạo (TEC), thành viên của Tập đoàn Tân Tạo (ITA) ký biên bản ghi nhớ vào cuối năm 2015. Gần đây nhất, đại diện Công ty SinoHydro Corporation (thành viên của Tập đoàn điện lực Trung Quốc - PowerChina) đã gặp ITA bày tỏ thiện chí được hợp tác và sẵn sàng mời thêm các nhà đầu tư khác từ Trung Quốc để thực hiện Dự án. Nếu hai bên đạt được các thỏa thuận, SinoHydro sẽ trực tiếp thực hiện các đàm phán và thỏa thuận giữa hai bên có thể triển khai Dự án trong thời gian sớm nhất.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, ông Trần Dương, đại diện của ITA đánh giá không cao khả năng của SinoHydro. “Nhà đầu tư này chưa có nhiều kinh nghiệm triển khai các dự án tương tự và có một số vấn đề khiến việc hợp tác khó khả thi”, ông Dương nói và cho biết,  có nhiều nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng hơn đã đến tìm hiểu, đặt vấn đề hợp tác.
 
Trước đó, đại diện Ngân hàng Qatar National Bank (QNB) cũng đã đặt vấn đề hợp tác. QNB là định chế tài chính mạnh, hoạt động ở hơn 26 quốc gia trên khắp 3 châu lục, nhưng chỉ có mặt ở một vài quốc gia châu Á tiềm năng như Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore, Indonesia… Với QNB, vốn đầu tư không phải là vấn đề lớn, song để có thể hợp tác, triển khai Dự án, thì nhà đầu tư này lại cần phải có đối tác có năng lực trong lĩnh vực điện.
..
                                              Mặt bằng Trung tâm điện lực Kiên Lương
 
“Đã thêm những đối tác nước ngoài lớn, có năng lực cả về kỹ thuật, công nghệ, tài chính và có nhiều kinh nghiệm trong phát triển các dự án nhiệt điện quan tâm đến Dự án”, ông Dương tiết lộ. Theo ông Dương, đáng chú ý trong số này là các tập đoàn lớn đến từ Hàn Quốc và Pháp, song các bên vẫn đang trong quá trình tích cực đàm phán với mục đích đem lại giá trị tốt nhất cho Dự án, vì vậy chưa thể công bố thông tin cụ thể về các đối tác. Ngay sau khi lựa chọn và thống nhất các điều khoản để cùng phát triển Dự án với các đối tác, ITA sẽ trình Chính phủ phê duyệt và công bố thông tin.
 
Trong khi đó, ông Phạm Mạnh Tiến, Tổng giám đốc TEC cho biết, đến tháng 5/2016, chủ đầu tư đã cơ bản hoàn thành việc đền bù giải phóng mặt bằng cho Dự án và nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho toàn bộ khu vực Trung tâm Điện lực Kiên Lương. Việc tiến hành san lấp và chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật cho Dự án cũng cơ bản được hoàn thành từ năm 2011 và hoàn toàn có thể phục vụ cho việc khởi công Nhà máy Nhiệt điện Kiên Lương 1.
 
Dự án Nhiệt điện Kiên Lương 1 được Chính phủ chấp thuận chuyển đổi từ hình thức xây dựng - vận hành - sở hữu (BOO) sang hình thức xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT) vào năm 2014. Việc này đã chấm dứt những đồn đoán về việc chủ đầu tư không đủ khả năng huy động vốn, cần thu hồi Dự án vì triển khai chậm… Theo đó, Dự án Nhiệt điện Kiên Lương 1 có công suất 1.200 MW, gồm 2 tổ máy, mỗi tổ công suất 600 MW. Dự án thuộc Trung tâm Điện lực Kiên Lương đã được Bộ Công thương và UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt với diện tích khoảng 280 ha, trong đó, Dự án nhiệt điện Kiên Lương 1 dự kiến chiếm diện tích khoảng 160 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD.
 
Đại diện TEC cho biết, việc thu xếp vốn cho Dự án đã được thực hiện. Năm 2011, chủ đầu tư Dự án đã nhận được chấp thuận cho vay vốn của các ngân hàng quốc tế và đơn vị bảo hiểm khoản vay. Tuy nhiên, do những vướng mắc về mặt cơ chế cấp Bảo lãnh Chính phủ (GGU) cho dự án BOO theo điều kiện tiên quyết của việc cấp vốn của các ngân hàng quốc tế, nên việc cấp vốn cho Dự án chưa được thực hiện.
“Dự án phải chuyển sang hình thức BOT là do hiện Việt Nam chưa có cơ chế cấp GGU cho các dự án BOO/IPP. Theo thông lệ và quy định quốc tế, đây là điều kiện tiên quyết quan trọng để các ngân hàng quốc tế giải ngân các khoản vay”, đại diện TEC nói và cho biết, trong giai đoạn 2010 -2011, các bộ, ngành liên quan cùng TEC đã nghiên cứu và tham vấn đề nghị Chính phủ cho phép áp dụng thí điểm việc cấp GGU cho Dự án, nhưng do chưa có tiền lệ, nên Chính phủ chưa đồng ý. Đến năm 2013, để đảm bảo việc thực hiện Dự án được thuận lợi và đáp ứng yêu cầu cấp vốn quốc tế, TEC đã chuyển Dự án sang hình thức BOT và được Chính phủ chấp thuận.
 
Tuy nhiên, theo ông Dương, đến thời điểm này, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài tỏ ra khá sốt sắng trong việc tìm hiểu, đàm phán để hợp tác triển khai Dự án thì lại vắng bóng nhà đầu tư trong nước. “Vẫn chưa có doanh nghiệp trong nước nào đặt vấn đề hợp tác, phát triển Dự án. Lý do có thể là do nguồn vốn đầu tư quá lớn, thu hồi vốn chậm và không có nhiều doanh nghiệp của Việt Nam đủ khả năng làm chủ công nghệ, cũng như kinh nghiệm phát triển dự án nhiệt điện”, ông Dương nói.
 
Theo chủ đầu tư, về nhiên liệu, Dự án Nhiệt điện Kiên Lương 1 sẽ sử dụng than nhập khẩu (dự kiến từ Indonesia và Australia). Trong khí đó, về công nghệ sẽ sử dụng công nghệ lò hơi siêu tới hạn hiện đang được áp dụng rộng rãi cho các dự án nhiệt điện than tại Việt Nam cũng như trên thế giới để đảm bảo công suất và tiết kiệm nhiên liệu.
 
“TEC đang đàm phán với các đối tác đầu tư và sẽ cố gắng chốt danh sách trong thời gian sớm nhất. Chủ đầu tư đang thực hiện các công việc chuẩn bị cho Dự án như điều chỉnh lại hồ sơ, báo cáo nghiên cứu khả thi cho phù hợp với quy định của Dự án BOT để đảm bảo tiến độ đã thống nhất với Bộ Công thương và Chính phủ”, đại diện chủ đầu tư nói và cho biết, tổ máy số 1 của Dự án Nhiệt điện Kiên Lương 1 dự kiến sẽ vận hành hành thương mại vào tháng 8/ 2024, toàn Dự án sẽ vận hành thương mại vào tháng 2/2025.