KCN tàu thủy Soài Rạp đổ... rạp

KCN tàu thủy Soài Rạp đổ... rạp

Chạy dọc trên đê biển Vàm Láng, mọi người không khỏi xót xa khi nhìn cảnh hàng trăm ha đất rừng và đầm tôm giờ đã mất hút, thay vào đó là một vùng đất trống ngút tầm mắt, cỏ dại và dừa nước mọc um tùm. Bà Hà Thị Út – Phó Chủ tịch UBND xã Vàm Láng không khỏi chua chát khi nói đến dự án một thời từng gây xôn xao cả huyện nghèo Gò Công Đông khi nơi đây sắp được Vinashin “khai hóa”, hình thành một KCN tàu thủy hiện đại nhất nhì Việt Nam và giải quyết việc làm cho khoảng 10.000 lao động địa phương. Mục tiêu to tát của dự án là xây dựng NM đóng tàu, các NM công nghiệp phụ trợ phục vụ cho ngành đóng tàu, kho bãi cảng container - hàng tổng hợp, khu trung tâm, khu tái định cư, chung cư và nhà biệt thự, bến tàu cao tốc Bắc Nam...

“Vậy nhưng, năm 2007 họ rầm rầm đưa máy móc hiện đại đến hút cát san lấp hàng trăm ha khiến ai cũng tưởng chẳng mấy mà KCN sẽ hình thành. Ai ngờ khi san lấp xong, suốt 3 năm nay chẳng thấy có bất cứ động tĩnh gì” – bà Út nói. Nguy hiểm nhất là việc san lấp hàng trăm ha đất rừng phòng hộ được Vinashin làm rất chóng vánh dù họ chưa hề lập quy hoạch, đánh giá tác động về môi trường. Việc làm này đã khiến chính quyền các xã và ngư dân nằm trong dự án không khỏi giật mình lo sợ khi dòng chảy, môi trường nơi đây đã bị biến đổi. “Xã chúng tôi sinh sống chủ yếu bằng nghề đi biển, nhưng khi dự án này được triển khai thì nguồn hải sản ven bờ đã bị tác đông mạnh. Chẳng biết một vài năm nữa có còn con cá, con tôm nào để bắt nữa hay không!?” – một cán bộ nông nghiệp xã Vàm Láng than thở.

Có lẽ, đau nhất vẫn là những nông dân đang yên ổn trồng cây, nuôi cá, đã bị cưỡng chế thu hồi đất và đền bù với giá rẻ mạt để người ta lập…bãi đất hoang. Gặp PV NNVN, ông Võ Văn Đáng (ngụ ấp Chợ, xã Vàm Láng) nói trong nỗi tức tưởi: “Hơn 10 ha đất là tài sản vô giá của cả gia đình tôi đã bị người ta cướp mất rồi”. Với ông Đáng, số đất này không đơn giản chỉ là tài sản mà còn là tâm huyết máu thịt của cả cuộc đời ông trong suốt hơn 30 năm qua.

Sau một thời gian dài bỏ đất hoang, dự án KCN tàu thuỷ Soài Rạp của Vinashin vừa bị UBND tỉnh Tiền Giang chính thức kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không cho phép triển khai tiếp giai đoạn 2. Và khả năng 285ha đất đã san lấp mặt bằng của giai đoạn 1 sẽ được chuyển đổi sang công năng khác là xây cảng biển và khu dịch vụ tổng hợp. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, với tình trạng hiện nay của Vinashin thì dù có chuyển công năng thì vùng đất này sẽ còn chịu cảnh bỏ hoang trong nhiều năm nữa.
Nhớ lại những ngày tháng vào khai khẩn vùng đất chết (năm 1977) với đầy rẫy bom mìn, rắn rết nguy hiểm, cái chết chỉ trong gang tấc, ông và những người em của mình vẫn kiên gan, chấp nhận rủi ro, làm việc vất vả, đối mặt với đói khát, bệnh hoạn để dần hình thành nên một khoảnh đất thấm đầy mồ hôi, nước mắt và máu sinh ra trái ngọt. Cũng vì thế mà ông coi miếng đất của mình như người thân, như máu mủ và chẳng đời nào ông lại bán nó đi, dù mỗi ha đất đã có người sẵn sàng trả bạc tỉ cho ông. Vậy nhưng, khi dự án KCN tàu thủy Soài Rạp xuất hiện, nó đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống gia đình ông và phần máu mủ mà ông phải đánh đổi bằng cả tính mạng suốt mấy chục năm qua, đã bị người ta ra quyết định thu hồi và đền bù với giá rẻ mạt.

“Anh tin không, mỗi mét vuông đất họ trả tôi không đủ mua một tô hủ tiếu” – ông Đáng cay đắng đưa ra bản kê khai đền bù giải tỏa để chứng minh. Vậy ra, mỗi mét vuông đất của ông chỉ được bồi thường có 8.000 đồng. Rồi ngôi nhà rộng tới 175 mét vuông cũng được định giá 38 triệu đồng. Tính tổng diện tích hơn 10 ha đất nuôi tôm, trồng cây ăn trái, nhà cửa ngay sát sông Soài Rạp được người ta bồi thường hơn 1 tỉ đồng, trong khi miếng đất vàng đó từng có người trả hơn 10 tỉ đồng mà ông chưa bao giờ chấp nhận. “Một ha nuôi tôm của tôi mỗi năm thu tới 6 tấn, trị giá không dưới 600 triệu đồng. Chỉ cần tính giá trị sản xuất của một phần mười diện tích đất đã thấy người ta đối xử với dân bất công thế nào”.

Nói đến đây, tròng mắt ông ầng ậc nước khiến vợ ông đứng nghe chuyện gần đó không khỏi xót xa. Suốt mấy năm trời, vợ chồng ông làm cả chục lá đơn khiếu nại gửi đi khắp nơi. Nhưng kết quả cuối cùng cũng chỉ là con số không tròn trĩnh!