Nước thải sạch hơn nước sông
Đón đầu nước thải
Khu công nghiệp Hòa Phú rộng 121ha, trong đó 92 ha để xây dựng nhà máy, còn lại là đường nội bộ, trồng cây xanh và các công trình khác. Đến nay, toàn bộ đất cho thuê tại KCN đã được lấp đầy với 16 dự án sản xuất kinh doanh, tổng vốn đầu tư 513 tỷ đồng và 64 triệu USD. KCN đang được mở rộng thêm giai đoạn hai, dự tính hoàn thành trong năm 2010, khi đó, tổng diện tích KCN sẽ là 250 ha.
Hệ thống xử lý nước thải tập trung công suất 4.000 m3/ngày đã hoàn thành, đi vào hoạt động, bảo đảm xử lý cho toàn bộ nước thải của KCN trong tương lai.
Hiện nước thải từ các cơ sở sản xuất kinh doanh mới chiếm khoảng 20 phần trăm công suất hệ thống xử lý nước thải. Duy trì hoạt động của hệ thống mỗi tháng tiêu tốn khoảng 150 triệu đồng.
Trước mắt, KCN chịu lỗ để vận hành vì việc thu phí nước thải của các nhà máy chưa làm được, UBND Vĩnh Long đang xem xét phê duyệt mức phí. Theo đề nghị của KCN, mức giá doanh nghiệp phải đóng khoảng 5.000 - 7.000 đồng/m3 nước thải.
Khi giai đoạn hai của KCN hoàn thành, mức phí nước thải các doanh nghiệp đóng cũng chỉ để duy trì hoạt động của hệ thống xử lý tập trung. “Hệ thống này mang ý nghĩa xã hội là chủ yếu nên yếu tố kinh doanh không quan trọng.
Trước mắt phải chịu lỗ để có nước thải sạch không gây ô nhiễm, về lâu dài chỉ mong huề vốn”, ông Nguyễn Văn Minh, Chánh Văn phòng Ban Quản lý các KCN Vĩnh Long bộc bạch. Chủ trương của tỉnh là xây dựng KCN phải bảo đảm vệ sinh môi trường nên việc xử lý nước thải phải được ưu tiên hàng đầu.
KCN Hòa Phú có hệ thống thải nước mưa riêng. Nước thải của các nhà máy có hệ thống riêng, thu gom đưa về nơi xử lý tập trung. Công việc này được làm ngay khi xây dựng hạ tầng. Doanh nghiệp được cấp phép đầu tư dự án cũng phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải bước một.
Dự án không xây dựng hệ thống xử lý nước thải cục bộ sẽ bị thu hồi giấy phép đầu tư. KCN có đội quản lý nước thải và môi trường, thường xuyên kiểm tra nước thải của các doanh nghiệp để bảo đảm nước thải phải đạt tiêu chuẩn loại C theo tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 5945) trước khi tiếp tục được xử lý tập trung.
Đầu xả nước thải của doanh nghiệp được mắc đồng hồ đo khối lượng để tính phí xử lý. “Dù có nhiều quy định ngặt nghèo nhưng KCN vẫn thu hút đầu tư”, ông Minh nói.
Nước thải sạch hơn nước sông
KCN Hòa Phú nằm ven QL1A, thuộc địa phận xã Hòa Phú (Long Hồ, Vĩnh Long). Đường vào và đường nội bộ rộng rãi phẳng lỳ. Ở một góc KCN, trạm xử lý nước thải là một ngôi nhà hai tầng có cổng rào. Hệ thống xử lý nước thải có bốn bể chứa lớn với la liệt máy móc, được đầu tư 30 tỷ đồng, theo công nghệ châu Âu.
Nước thải từ các cơ sở sản xuất kinh doanh, sau khi xử lý bước một, được tập trung về bể cân bằng để lọc chất thải rắn kích thước lớn hơn 1 mm. Trong bể chứa này còn có hệ thống máy thổi khí sục, làm cho bọt váng dầu mỡ nổi lên bề mặt và được thu gom. Quá trình lắng lọc, chất lơ lửng sẽ lắng xuống đáy bể và được máy ép thành khối. Nước thải sau khi loại bỏ chất thải rắn và bùn, qua ba bước xử lý sinh học, cuối cùng khử trùng mới thải ra ngoài. Quy trình phức tạp được vận hành và theo dõi bằng máy tính. Có 10 kỹ sư thuộc các lĩnh vực điện, nước, môi trường… thường xuyên túc trực.
Kỹ sư Trần Minh Cang, Trưởng trạm Xử lý Nước thải và Môi trường, cho biết, hàng tuần đều thu thập mẫu nước để phân tích. KCN đầu tư hẳn một phòng thí nghiệm. “Hiện trạm mới vận hành công suất 700m3/ngày do nguồn nước thải từ các nhà máy còn ít. Trong tương lai, khi nhiều nước thải, có thể tính đến việc sản xuất phân bón từ bùn lắng lọc”, kỹ sư Cang nói.
Nước thải ở KCN Hòa Phú đến từ các cơ sở sản xuất kinh doanh khá đa dạng: thực phẩm, thức ăn gia súc, thuộc da… nhưng sau xử lý đã trong vắt. Mỗi ngày, KCN thải ra sông Lộc Hòa hàng trăm mét khối nước nhưng hàng trăm hộ dân xung quanh không phàn nàn. Nhiều người còn thích thú bảo nước thải công nghiệp trong và sạch hơn nước con sông.