Quy hoạch TP.HCM chưa xứng tầm
Vẫn còn lối quy hoạch bao cấp
Bản đồ quy hoạch một nơi, dân làm một nẻo, điều này không hiếm tại đô thị lớn nhất nước như TP.HCM. Tại cuộc hội thảo khoa học "Đô thị hóa ở Sài Gòn - TP.HCM từ góc nhìn lịch sử văn hóa" vừa diễn ra (*), ông Nguyễn Trọng Hòa, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, nói: "Chúng ta đã chuyển sang nền kinh tế thị trường từ lâu nhưng lối quy hoạch vẫn còn giữ tư duy bao cấp. Điều này thể hiện rõ nhất trong các đồ án quy hoạch năm 1998 và 2003. Thậm chí trong đồ án quy hoạch 2007 đã trình Thủ tướng phê duyệt vẫn mắc phải điều này".
Theo ông Hòa, vướng mắc lớn nhất của các cơ quan quy hoạch đô thị chính là việc cứ tưởng nắm trong tay nguồn lực tài chính trong khi nguồn lực này lại nằm trong tay của người dân và các nhà đầu tư. Đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho biết, hướng phát triển quy hoạch trong những năm tới sẽ là mở rộng TP.HCM về phía Thủ Thiêm. Thành phố mới nằm bên sông Sài Gòn này sẽ đáp ứng được việc phát triển các công trình tài chính - ngân hàng, hội nghị, triển lãm..., vừa để giảm tải cho khu vực trung tâm hiện nay của TP.HCM, vừa để tạo ra một trung tâm đô thị mới để giãn dân, giảm bớt sức ép dân số như hiện nay.
Theo đề án "Nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch TP.HCM đến năm 2025" do Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp với Công ty Nikkei Sekkei (Nhật) tổ chức năm 2007, dọc bờ sông Sài Gòn đi qua khu vực trung tâm sẽ là một công viên rộng lớn dành cho người đi bộ. Tuy nhiên, theo đánh giá của một số chuyên gia, bản quy hoạch này chưa tích hợp được các nhu cầu không gian của các quy hoạch về kinh tế xã hội - môi trường. Đề án này cũng thiếu sự tham gia và đề xuất của cộng đồng.
Từ năm 1997, với sự hình thành 6 quận mới bao gồm Q.Thủ Đức, Q.2, Q.9, Q.7, Q.12 và Q.Bình Tân, diện tích nội thành của TP.HCM đã tăng gấp 4 lần. Theo thạc sĩ Dư Phước Tân, Trưởng phòng Nghiên cứu Phát triển đô thị Viện Kinh tế TP.HCM, tuy có những phát triển trong việc mở rộng diện tích thành phố nhưng vẫn còn một số tồn tại do việc thiếu tầm nhìn trong quy hoạch. Mô hình phát triển của 6 quận mới này vẫn chưa có gì đột phá so với sự phát triển của 4 quận ven trước đây là Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Bình và Q.8. Trên thực tế, trong khoảng 10 năm trở lại đây, nếu nhắc đến dấu ấn của sự phát triển đô thị tiêu biểu tại TP.HCM, người ta chỉ nhớ đến khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng do nước ngoài đầu tư, chứ không phải là những quận, huyện được chính quyền thành lập.
Kiến trúc đô thị... chẳng giống ai
Lịch sử đô thị của Việt Nam gắn liền với lối quy hoạch, kiến trúc của người phương Tây. Họa sĩ Nguyễn Quân (Hội Mỹ thuật Việt Nam) nói: "Việt Nam chưa hề có triết lý, chiến lược đô thị hóa đúng nghĩa. Tất cả cái chúng ta đang có đều là của người Pháp, người Mỹ. Đặt ra vấn đề đô thị hóa phù hợp với văn hóa người Việt không phải là một điều mới nhưng luôn luôn thời sự. Lối quy hoạch nhà ống xa lạ với văn hóa Việt Nam đang khiến cho bộ mặt các đô thị trong cả nước nhàn nhạt, không có bản sắc riêng".
Theo ông, lối kiến trúc hiện đại ở các đô thị của chúng ta hiện nay là một sự lắp ghép, lai tạo từ nhiều phong cách để rồi cho ra một phong cách... chẳng giống ai. Nói rằng TP.HCM phát triển, nhưng nếu so sánh với những đô thị trong khu vực có xuất phát điểm sau chúng ta như Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia)... thì rõ ràng họ đã qua mặt ta trong việc quy hoạch, xây dựng đô thị.
Theo ông Nguyễn Đăng Sơn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển hạ tầng, TP.HCM hiện nay đang có một cơ cấu đô thị chưa hợp lý. Việc các nguồn vốn đầu tư liên tục đổ vào trung tâm thành phố trong những năm qua đã dẫn đến tình trạng này. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến ách tắc giao thông đang ngày một nghiêm trọng.
(*) Hội thảo khoa học "Đô thị hóa ở Sài Gòn - TP.HCM từ góc nhìn lịch sử văn hóa" diễn ra ngày 24.4 tại TP.HCM do Viện Nghiên cứu xã hội TP.HCM và tạp chí Người đô thị tổ chức.