Siêu thị cho công nhân, tại sao không?
Cầm tờ hai chục nghìn trong tay, chị Lê Thị Minh, công nhân (CN) Công ty Domex- KCX Linh Trung I, tần ngần không biết mua gì. Dạo qua các hàng bán thịt rồi đến chỗ bán cá; cuối cùng, chị trở lại mua hai quả trứng vịt giá 5.000 đồng cùng bó rau muống 3.000 đồng cho bữa cơm chiều 2 người. Chị than: “Mấy bữa nay nghe mọi người kháo nhau thịt gà hết “đát”, thịt heo hôi chảy nhớt nên cũng không biết mua gì. CN nghèo, ít tiền nên có mua trúng đồ hư, thối cũng phải chịu thôi. Tôi mua trứng, rau ăn tạm vậy”.
Cung lớn, cầu không
Hiện nay, tại các KCX - KCN TP.HCM vẫn chưa có một siêu thị nào dành riêng cho CN trong khi đó nhu cầu mua sắm, mua thức ăn hằng ngày rất lớn. Thỉnh thoảng, các tổ chức, đoàn thể cũng tổ chức các phiên chợ, hội chợ mang hàng giá rẻ đến với CN. Nhưng các hội chợ này mang tính thời vụ, mỗi năm làm được vài lần, không đáp ứng được nhu cầu hằng ngày của CN. Chưa kể, đôi khi các phiên chợ tổ chức không đúng vào ngày lãnh lương hay hết tiền thì “chịu chết” vì CN không biết lấy tiền đâu mua.
Có cầu ắt có cung, nơi nào có CN, nơi ấy lập tức xuất hiện các chợ “chồm hổm”. Đa số là những chợ tự phát, lấn chiếm lòng lề đường. Thịt bán ở những chợ này vào cuối ngày đều ươn, ruồi nhặng bu đầy. Còn cá, thường là cá biển đã bốc mùi, đổ ruột, thịt nhợt nhạt. Gặp tôi ở chợ, chị Mai Thị Lanh (CN Công ty Paiho- KCN Tân Tạo) cho biết: “Chợ chiều, muốn mua đồ ngon cũng không có. Nhiều khi biết thức ăn hư nhưng vẫn phải mua về chế biến lại. Người nào không may mắn bị ngộ độc thì phải ráng chịu chứ biết làm sao”. Mấy hôm nay, Lanh và các cô CN cùng phòng đành từ bỏ món cá ngừ kho thơm vừa ngon vừa rẻ vì lần trước mua trúng cá ươn, có người phải đi cấp cứu vì ngộ độc.
Không chỉ nhếch nhác, mất vệ sinh, các chợ tự phát còn ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự giao thông. Như ở KCX Linh Trung I, Linh Trung II, KCN Tân Tạo… nhiều chợ tạm mọc ngay cổng KCX- KCN, vừa tan ca ra, CN ghé ngay vào chợ. Người, xe đạp, xe máy cùng người bán hàng chen chúc nhau lấn đến tim đường, rất nguy hiểm trong khi đây là những tuyến đường chính lưu thông rất nhiều xe buýt, xe tải...
Cần sự chung tay
Chiều cuối tuần, chúng tôi gặp rất nhiều CN ở siêu thị Big C (quận Bình Tân- TPHCM). CN đến đó không phải để mua hàng mà là để... trốn nóng và nhìn ngắm hàng hóa cho... đã con mắt! Một nữ CN Công ty Pou Yuen nói với tôi: “Ước gì có những siêu thị, cửa hàng bách hóa bán hàng hóa với giá phải chăng, vệ sinh, an toàn phục vụ cho CN thì hay biết mấy”.
Khi chúng tôi hỏi ý kiến, nhiều CN có chung suy nghĩ: UBND TP, Hepza cần có quy định, khi xây dựng các KCX - KCN mới, bên cạnh nhà trẻ, nhà lưu trú, trung tâm sinh hoạt... cần có siêu thị, cửa hàng tạp hóa phục vụ CN. Ở những KCX - KCN đã thành lập, các công ty hạ tầng nên dành đất để xây dựng các siêu thị, cửa hàng giá rẻ cho CN và có nhiều chính sách ưu đãi như miễn, giảm tiền cho thuê đất, đầu tư cơ sở vật chất vì chi phí đầu vào càng thấp thì các nhà kinh doanh mới có cơ hội giảm giá hàng hóa để CN được hưởng lợi.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, siêu thị nên có sự góp sức để mang hàng hóa đến với CN. Ngoài việc bán hàng ưu đãi, doanh nghiệp nên có nhiều hình thức khuyến mãi, tặng quà cho CN. Đây là việc làm rất thiết thực và xây dựng hình ảnh doanh nghiệp thân thiện. Mặt khác, các doanh nghiệp trong KCX - KCN TP cũng phải có trách nhiệm với CN của doanh nghiệp mình. Hằng tháng, hằng quý, doanh nghiệp có thể phát động các phong trào thi đua, phần thưởng là phiếu mua hàng hay phiếu giảm giá ở các cửa hàng, siêu thị trong KCX - KCN. Điều này vừa làm tăng năng suất, hiệu quả kinh doanh vừa chăm lo thiết thực cho CN.