“Sốt” khu công nghệ cao

“Sốt” khu công nghệ cao

Hội nghị “Xúc tiến đầu tư vào khu công nghệ cao Việt Nam” do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức vừa qua tại TPHCM cho thấy bức tranh khá toàn diện về CNC tại nước ta.

Thiếu nhạc trưởng, loạn hòa âm

Cả nước có 2 khu CNC đa chức năng là khu CNC Hòa Lạc (Hà Nội) và khu CNC TPHCM, 15 công viên phần mềm, 19 khu công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao đang hiện hữu. Dự kiến sẽ có thêm trên 30 khu công nghiệp CNC và nông nghiệp CNC hình thành trong tương lai không xa…

Bản đồ khu CNC ở nước ta thoạt nhìn trông như đại nông trường “phì nhiêu”, phát triển. Thế nhưng, TS Trần Ngọc Ca, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách KH-CN nhận định thực lực của các khu CNC không “hùng hậu” như thế.

Thực chất không ít khu nông nghiệp tự gắn “mác” CNC trong khi công việc chẳng liên quan gì. Như Trung tâm kỹ thuật rau quả Hà Nội, Khu nông nghiệp ứng dụng CNC Sông Hậu, Khu nông nghiệp Đồ Sơn… đơn thuần sản xuất, chế biến nông sản bình thường cũng xưng CNC.

Lạm phát tên khu CNC tại các địa phương có thể do nhận thức về loại hình, chức năng khu CNC chưa thống nhất. Nhưng việc thành lập khu CNC khi điều kiện và tiềm lực chưa chín muồi là thiếu sót ngay từ gốc ban đầu nên các khu CNC họat động không hiệu quả là tất yếu.

TS Hồ Ngọc Luật, Vụ trưởng, Trưởng ban KHCN địa phương chỉ rõ: Các địa phương tích cực đưa CNC vào phát triển kinh tế – xã hội nhưng còn nhiều lúng túng trong việc lựa chọn mô hình hoạt động phù hợp với từng địa phương. Nguồn nhân lực phục vụ cho ngành công nghiệp, nông nghiệp CNC là khó khăn lớn. Những vùng như ĐBSCL có trình độ dân trí khá thấp, trong 1 vạn dân chưa đến 100 người đạt trình độ đại học nên rất khó để quản lý, sử dụng và phát triển ngành CNC.

Sự nôn nóng duy ý chí này phần nào lý giải vì sao đa phần doanh nghiệp CNC trong nước chỉ dừng lại ở lắp ráp, đóng gói bao bì cho các sản phẩm CNC. Và rất ít tập đoàn quốc tế chọn các khu CNC của VN để nghiên cứu và hoàn thiện sản phẩm CNC.

Song hành lượng và chất: không dễ!

Để phát triển khu CNC cần một chiến lược quy hoạch và phát triển dài hơi. Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Tuấn Anh bức xúc, cần nhanh chóng đề ra nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật CNC. Chính phủ cần phải có quy hoạch khoa học phát triển khu CNC chung cho cả nước nhưng phải phù hợp với từng địa phương. Như ĐBSCL là vùng kinh tế nông nghiệp cung cấp nguồn lương thực lớn cho cả nước và xuất khẩu nhưng lại gặp khó khăn vì thiếu KH-CN.

Không phải chỉ nano, bán dẫn mới là CNC, cần đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp. Nông dân VN cần những loại máy tổ hợp vừa thu hoạch, sơ chế để bảo quản lương thực tốt hơn sau thu hoạch như của nước ngoài sẽ giúp người nông dân không lao đao như bây giờ. Đó là CNC đi ra từ thực tiễn mà đất nước nào cũng cần.

Đại diện Sở KH-CN Đà Nẵng lý giải: khu CNC Quảng Tây (Trung Quốc) ra đời sau nhưng lại tiến xa hơn ta một bậc bởi vì chính sách thu hút đầu tư của họ hấp dẫn hơn ta, họ không thiếu nguồn nhân lực, trình độ quản lý, chính sách đãi ngộ…

Bà Lê Thị Thanh Mỹ, Phó trưởng ban quản lý khu CNC TPHCM “đòi hỏi” cần nguồn nhân lực đủ trình độ đáp ứng nhu cầu cạnh tranh; chính sách, môi trường đầu tư thuận lợi hơn… để thực hiện tiêu chí hoạt động CNC đúng nghĩa mà đến nay vẫn còn là kỳ vọng…

Đứng trước những thách thức đó, Luật CNC vừa được Quốc hội thông qua và sẽ được áp dụng vào tháng 7-2009. Nhu cầu phát triển song song giữa lượng và chất được khẳng định trong quy định của Luật CNC. Nhà nước sẽ ưu đãi các chính sách về hỗ trợ tài chính, đất đai, thuế… để kêu gọi đầu tư.

TS Đỗ Văn Lộc, Vụ trưởng Vụ CNC cho biết sẽ thành lập chương trình quốc gia, quỹ đầu tư mạo hiểm và đẩy mạnh hợp tác quốc tế CNC. Còn với vai trò là cơ quan định hướng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Văn Lạng, cho rằng Bộ KH-CN đang xúc tiến các chương trình trọng điểm về CNC. Quan điểm của Bộ KH-CN là khuyến khích đầu tư vào CNC nhưng trên cơ sở những yêu cầu của đời sống kinh tế xã hội nước nhà, tránh tình trạng đầu tư tràn lan, không hiệu quả.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Lạng thì mục tiêu đầu tư vào CNC là xuyên suốt. Do vậy, việc lấp đầy, mở rộng và thành lập các khu CNC mới trong thời gian tới là đòi hỏi tự nhiên, cấp bách trong quá trình phát triển của đất nước. Nhưng điều cần lưu ý là trong quá trình đầu tư đã đến lúc thay vì chú trọng về lượng thì nay nên chú trọng về chất. Và đầu tư vào CNC là minh chứng cho điều này.

Các nhà quản lý đã “mở cửa”, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển CNC. Vấn đề còn lại là những chính sách này sẽ đi vào cuộc sống như thế nào. Và liệu các doanh nghiệp CNC trong nước sẽ nắm bắt những lợi thế này để phát triển và cạnh tranh với quốc tế trong lĩnh vực kinh tế nhiều chất xám này?

Thách thức đối với phát triển khu công nghệ cao ở nước ta:

– Thiếu nguồn lực lao động tay nghề cao.

– Thiếu và yếu kém cơ sở hạ tầng.

– Thực thi luật đất đai, giải phóng mặt bằng chậm, bàn giao đất đai cho nhà đầu tư thiếu minh bạch, vướng mắc.

– Thủ tục đầu tư, thủ tục hải quan, tính thuế còn gây khó khăn, phiền hà cho nhà đầu tư.

– Không đồng bộ trong việc thực thi các Luật Đầu tư, Luật Chuyển giao công nghệ…

TS Phan Hữu Thắng,
Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Bộ KH-ĐT