5 ưu tiên trong lập kế hoạch Đầu tư công trung hạn
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 là thực hiện theo quy định của Luật đầu tư công đã chính thức có hiệu lực từ 1/1/2015. Tổng số sẽ có 5 nghị định hướng dẫn thi hành luật, tuy nhiên, đến nay, một số nghị định đang trong giai đoạn xây dựng dự thảo. Riêng nghị định về đầu tư công trung hạn theo quy định của Luật đầu tư công đang khẩn trương xây dựng để có thể trình Chính phủ vào tháng 3/2015.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh |
“Thời gian còn lại là rất ngắn. Lần đầu triển khai việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm là mới mẻ, gặp nhiều vướng mắc, khó khăn nên cần sự phối hợp, khẩn trương và quyết liệt để có thể trình và ban hành đúng kế hoạch”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói và cho biết, tất cả các nghị định sẽ được hoàn thiện và ban hành vào tháng 6/2015.
Cũng theo Bộ trưởng, theo quy trình, hiện nay đang làm bước 1, đó là thống kê các nhu cầu, báo cáo về tổng nguồn đầu tư (kể cả nguồn vốn trong nước và nguồn vốn ODA) dành cho 5 năm tới. Do đó, các nguồn vốn phân bổ trong 5 năm tới phải tuân theo trình tự theo 5 ưu tiên như sau: Thứ nhất, ưu tiên bố trí vốn đối ứng cho các dự án PPP. Thứ hai, vốn đối ứng cho các dự án vốn ODA. Thứ ba, trả nợ đọng vốn đầu tư xây dựng cơ bản (Từ 1/1/2015 sẽ không bố trí vốn kể cả vốn Trung ương và địa phương phát sinh nợ xây dựng cơ bản). Thứ tư, vốn cho những công trình chuyển tiếp, dang dở. Thứ năm, cân nhắc, xem xét các công trình khởi công mới.
“Mỗi đồng vốn của Nhà nước phải được chắt chiu, trăn trở để sử dụng, làm chậm nhưng làm chắc, không làm ẩu cứ có tiền thì vung ra, đầu tư kém hiệu quả ”, Bộ trưởng Vinh nhấn mạnh và cho biết, những dự án quy mô lớn, có tác động liên vùng mặc dù được yêu cầu không phát hành trái phiếu Chính phủ nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận thấy có thể đề xuất đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu. Tuy nhiên, phải xây dựng thành từng dự án cụ thể và trình Quốc hội xem xét.
Theo nhiều đại biểu của các địa phương phía Nam, các nội dung của dự thảo Nghị định về đầu tư công trung hạn là phù hợp và gỡ được nhiều vướng mắc trong thực tế.
Ông Thái Văn Rê, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM nêu dẫn chứng, tại khoản 1, điều 56 của Luật Đầu tư công có nêu “Chương trình, dự án phải có trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn, trừ dự án khẩn cấp được quy định tại khoản 1 và khoản 3 điều 33 của Luật này”. Tuy nhiên, đối chiếu với các quy định tại khoản 1 và khoản 3 của điều 33 thì lại chỉ hướng dẫn về nguyên tắc, trình tự, thủ tục, nội dung quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án khẩn cấp và dự án theo hình thức đối tác công tư.
“Các vấn đề về thiên tai, hay triều cường, ngập lụt... thường xuyên xảy ra nhưng lại không thể dự báo, lập kế hoạch trung hạn được”, ông Rê nói và cho rằng các quy định trong dự thảo là ở diện rộng hơn và phù hợp với thực tế hơn. Tương tự, trong Luật đầu tư công chỉ cho phép trích lập quỹ dự phòng 15% cho 3 vấn đề là trượt giá, dự án khẩn cấp và các vấn đề phát sinh... Trong khi đó, tại dự thảo nghị định cho phép trích lập quỹ dự phòng từ 15 đến 20%, như vậy là xác đáng và có độ mở hơn cho các địa phương trong thực hiện.
Hầu hết các địa phương đều tán thành phương án 1 về phân bổ nguồn vốn trong dự thảo, đó là, Trung ương quyết định hỗ trợ địa phương dự án nào thì hỗ trợ 100% vốn cho dự án đó. Điều này, sẽ tạo điều kiện cho các địa phương giải quyết dứt điểm tình trạng dự án dở dang, “công trình nằm chờ vốn”... gây bức xúc lâu nay.
Đơn cử, như tại tỉnh Tiền Giang, có 2 dự án là trụ sở của Tỉnh Đoàn và Hội nông dân tỉnh, theo kế hoạch thì tỉnh sẽ thực hiện việc đền bù, giải phóng mặt bằng và ngành dọc sẽ hỗ trợ vốn để đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, địa phương đã hoàn thành công việc của mình, trong khi đó, nguồn vốn của ngành dọc thì đợi mãi chưa thấy đâu, khiến 2 công trình này “dậm chân tại chỗ”, nhiều năm trôi qua mà công trình chưa hoàn thành.
Đồng quan điểm, ông Hồ Vĩnh Chu, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắc Lắc cho rằng, việc nguồn vốn Trung ương hỗ trợ 100% vốn cho dự án là phù hợp, nhất là với những tỉnh khó khăn, chưa cân đối được ngân sách. Theo ông Chu, ngoài ra, cần bổ sung các dự án trong lĩnh vực văn hóa, bởi các dự án này có nguồn vốn lớn mà ngân sách địa phương khó lòng đầu tư được. Ví dụ, TP. Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc) được xác định là đô thị trung tâm của khu vực Tây Nguyên, nhưng đến nay vẫn chưa đầu tư được các thiết chế văn hóa xứng tầm, như nhà văn hóa trung tâm, nhà triển lãm... mà nguyên chính là do thiếu nguồn vốn đầu tư.
Lãnh đạo các địa phương ở khu vực Tây Nguyên như Đắc Lắc, Lâm Đồng... cũng đề xuất về việc tăng phần vốn đối ứng cho các dự án có vốn ODA để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. “Theo quy định hiện nay, vốn đối ứng các dự án ODA được Trung ương hỗ trợ 70%, nhưng thực tế nhiều năm qua chỉ giải ngân được 52%”, đại diện tỉnh Đắc Lắc cho biết và đề xuất cần tăng tỷ lệ vốn đối ứng cho các dự án ODA, đồng thời nhà nước cũng quan tâm hơn đến việc có thêm các dự án ODA để góp phần đẩy nhanh đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực Tây Nguyên...
Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, Luật đầu tư công có 2 điểm khác. Thứ nhất, lần này phải làm cho kế hoạch 5 năm chứ không phải 1 năm như trước đây nên các địa phương sẽ lúng túng không biết là xây dựng kế hoạch cho 5 năm thế nào, làm những dự án gì... Vậy căn cứ nào để xây dựng? Trước hết là phải căn cứ vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của từng địa phương và kế hoạch này là có rồi. Như thế là đã có mục tiêu, giải pháp, nguồn lực để thực hiện. Bám sát kế hoạch 5 năm là quan trọng và rất cần thiết để chuẩn bị cho các kế hoạch, các dự án đầu tư...
Thứ hai, hiện nay nhu cầu là rất lớn nhưng tiền thì lại rất ít. Trong khi đó, trước đây chúng ta chỉ làm ang áng rồi có tiền là quyết, là làm ngay. Do đó, hiệu quả đầu tư công rất thấp. Theo quy định của Luật đầu tư công thì phải nghiên cứu chủ trương đầu tư cho kỹ, ra quyết định đầu tư bảo đảm đúng quy trình. Ai ra chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư thì người đó phải chịu trách nhiệm. Nếu sai, để lại hậu quả thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật dù đó là ở cấp nào.
“Vấn đề đặt ra hiện nay là thời gian còn rất ngắn trong khi các dự án chuẩn bị đầu tư thì chưa có, kể cả dự án có nguồn vốn địa phương, dự án có nguồn vốn Trung ương. Có vốn chuẩn bị đầu tư thì mới có vốn cho xây lắp và như thế mới có được dự án tốt’, Bộ trưởng nói và lưu ý, trong việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020, mỗi địa phương trừ những dự án chuyển tiếp sẽ được xem xét trình từ 1-3 dự án quy mô lớn, có tác động liên vùng, hiệu quả. Như vậy, có thể có địa phương không có dự án nào và một địa phương tối đa không có quá 3 dự án.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã trực tiếp giải đáp những vướng mắc, khó khăn và các câu hỏi do các địa phương nêu ra. Theo kế hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổ chức hội nghị tại khu vực phía Bắc và sẽ tổng hợp các kiến nghị, đề xuất của các địa phương trong cả nước. Trên cơ sở đó, đưa các kiến nghị, đề xuất phù hợp vào dự thảo nghị định về đầu tư công trình Chính phủ ban hành trong thời gian tới.