66% DN Nhật Bản tại Việt Nam muốn mở rộng kinh doanh
Việt Nam là điểm đến hấp dẫn với doanh nghiệp Nhật Bản
Khảo sát của JETRO về hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản năm 2016 cho thấy Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn nổi bật tại châu Á với các nhà đầu tư từ Xứ sở mặt trời mọc. Cụ thể, có đến gần 67% doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam. Con số cao hơn hẳn so với đánh giá mà giới kinh doanh Nhật Bản dành cho các nền kinh tế như Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia và kể cả Trung Quốc. Gần như 9/10 doanh nghiệp Nhật Bản khẳng định doanh thu đang tăng là động lực thôi thúc họ mở mang sản xuất kinh doanh ở Việt Nam.
Đáng chú ý, ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện JETRO tại TPHCM còn cho hay: Năm 2017 và các năm tới nữa, nhà đầu tư Nhật Bản vẫn có xu hướng rót vốn vào ngành hàng tiêu dùng, ngành bán lẻ và những dịch vụ liên quan đến nhu cầu thiết yếu của người dân ở Việt Nam. Và từ đó, doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ có cơ hội phát triển theo như: Cung cấp nguyên liệu, sản phẩm đầu vào cho doanh nghiệp Nhật Bản phù hợp với thị hiếu và thói quen tiêu dùng địa phương.
Thuận lợi trong môi trường đầu tư
Khi đánh giá về môi trường đầu tư, Việt Nam được giới kinh doanh Nhật Bản xếp ở vị trí thứ 4 trên bảng tổng sắp 14 nền kinh tế châu Á có mặt trong khảo sát với tiêu chí về “Tình hình chính trị-xã hội ổn định”. Đồng thời xếp thứ 5 về quy mô, tiềm năng tăng trưởng của thị trường nội địa và chi phí nhân công rẻ. Môi trường sống thuận lợi cho lao động nước ngoài cũng là điểm Việt Nam nhận được bình chọn tích cực khi nằm trong top 6 nền kinh tế dẫn đầu. Đáng tiếc, Việt Nam lại bị nhà đầu tư Nhật cho vào cuối bảng xếp hạng về “Rào cản ngôn ngữ”.
Dù vậy, chi phí nhân hiện cũng là quan ngại lớn nhất của nhóm nhà đầu tư này. Thống kê của JETRO cho rằng số tiền doanh nghiệp Nhật Bản thực chi cho nhân công khối chế tạo đã đạt mức 4.000 USD/người/năm, gấp 2,2 lần so với năm 2010.
Những rủi ro kinh doanh phổ biến nhất đều được nhà đầu tư Nhật Bản cho là đã có xu hướng giảm đi rõ rệt so với khảo sát trước đó vào năm 2015. Đặc biệt, khảo sát vừa qua đã cho thấy, thủ tục hành chính, hệ thống thuế và hành lang pháp lý nói chung của Việt Nam được cho là 3 tiêu chí có cải thiện rất ấn tượng.