Áp lực đã giảm
Những vấn đề mà chúng ta lo lắng như hiệu quả gói kích cầu, lạm phát hay nợ xấu… đang được các cơ quan chức năng của Chính phủ nhận định là trong tầm kiểm soát.
3,9% là tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm. Con số này thấp hơn mức gần 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lại rất ấn tượng trong bối cảnh nền kinh tế thế giới khủng hoảng, nhiều nước tăng trưởng âm. Điều này thể hiện thành công của Chính phủ trong việc chèo lái nền kinh tế vượt qua lúc khó khăn nhất. Chìa khóa đem lại sự khởi sắc cho các ngành, lĩnh vực là các gói kích cầu đã “bấm đúng huyệt”, dù hiệu quả còn ở mức độ khác nhau. Tổng dư nợ được hỗ trợ lãi suất ngắn hạn, dài hạn và nông nghiệp tính đến đầu tháng 7 vừa qua là trên 370.000 tỷ đồng.
Hiệu quả của gói kích cầu có thể đánh giá qua các ngành kinh tế. Không ít người bi quan về ngành Xây dựng khi cuối năm 2008 tăng trưởng âm. Thế nhưng đến cuối tháng 6 này, lĩnh vực Xây dựng đã tăng trưởng ấn tượng tới 9,8%. Lĩnh vực Công nghiệp trong tháng 1 năm nay cũng u ám với mức tăng trưởng âm, thì sau 6 tháng đã tăng trưởng 4,8%. Sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân được mùa cao hơn dự kiến. Nông dân bán lúa được giá, lãi từ 30% đến 40%. Lĩnh vực dịch vụ cũng ấn tượng với tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng tới 20%. Thị trường nội địa đã và đang thể hiện vai trò đầu ra quan trọng khi xuất khẩu giảm mạnh.
Chính sự khởi sắc này đã tạo sức hút đối với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI với gần 9 tỷ USD và giải ngân gần 4 tỷ USD trong 6 tháng. Vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA cũng giải ngân gần 1,3 tỷ USD. Cùng nguồn giải ngân từ các gói kích cầu, nhiều người lao động đã có việc làm và thu nhập, góp phần thực hiện vấn đề Chính phủ đặc biệt quan tâm là an sinh xã hội. Cũng với cú huých này, nhiều cơ hội mới được tạo ra và 37.000 doanh nghiệp mới đã ký kinh doanh.
Tuy nhiên, chúng ta không thể lạc quan thái quá với những dấu hiệu tích cực đó. Nói như thế bởi còn nhiều thách thức trong 6 tháng còn lại. Đầu tiên là thị trường đầu ra. Rất may mắn là thị trường nội địa với sự ủng hộ của người tiêu dùng đã kích thích được sản xuất trong nước. Thế nhưng thị trường xuất khẩu, nguồn thu quan trọng vào tăng trưởng GDP, đã tăng trưởng âm 10% trong 6 tháng qua. Một khoảng cách khá xa so với mục tiêu 3% của cả năm nay.
Nền kinh tế còn chịu áp lực lạm phát do nhập khẩu nguyên liệu từ thế giới, trong đó có giá xăng dầu có xu hướng tăng trở lại. Rồi việc giải ngân các gói kích cầu dẫn đến cung tiền tăng. 6 tháng qua, trong khi GDP tính theo giá thực tế chi tăng trưởng 12,4% thì cung tiền lại tăng tới 16%. Thông thường, tốc độ tăng cung tiền phải tương đương hoặc chậm hơn tốc độ tăng GDP để không tạo áp lực lạm phát. Do đó, bài toán khó đối với điều hành kinh tế vĩ mô 6 tháng còn lại là vừa đạt tốc độ tăng trưởng GDP 5% mà vẫn kiểm soát được lạm phát.
Từ đây cũng xuất hiện một số yếu tố bất lợi cho doanh nghiệp, đó là lãi suất ngân hàng có chiều hướng tăng trở lại, hiện ở mức 10,2% so với mức trần lãi suất của ngân hàng Nhà nước là 10,5%. Trong khi đó, một số quan điểm đang đề nghị Chính phủ kết thúc sớm gói cho vay hỗ trợ lãi suất 4%. Ngoài áp lực giá đầu vào phải nhập khẩu từ thế giới tăng, doanh nghiệp công nghiệp sẽ tiếp tục phải xoay sở với giá điện giờ cao điểm sáng tăng ở mức cao.
Một áp lực khác với kinh tế vĩ mô 6 tháng cuối năm, đó là phải có giải pháp để các gói kích thích kinh tế được hấp thụ tốt hơn để bù đắp cho các nguồn đầu tư khác đang giải ngân khá chậm. Như vốn ngân sách dành cho đầu tư phát triển mới giải ngân được khoảng 35%, vốn trái phiếu Chính phủ dành cho giao thông thủy lợi mới chi được khoảng trên 1/5 kế hoạch. Tăng trưởng hai lĩnh vực quan trọng là xây dựng và công nghiệp có duy trì được như 6 tháng qua hoặc cao hơn phụ thuộc nhiều vào việc giải ngân hiệu quả các nguồn vốn.
Chính phủ đã xác định nhiều giải pháp phải triển khai trong 6 tháng cuối năm, trong đó, giải tỏa về thủ tục hành chính là bước đi thiết thực. Dự kiến tháng 9 tới, một số Bộ Công an, Kế hoạch – Đầu tư, Tài chính sẽ công khai thủ tục hành chính. Đến cuối tháng 9 sẽ công khai toàn bộ thủ tục hành chính của các bộ và địa phương. Bước đi này rất được mong đợi, vì cả trước mắt và lâu dài, sẽ góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội.