Bất bình đẳng thu nhập và cơ hội
Kể từ cú sốc tăng giá năm 2008 và liên tục cho đến nay, người nghèo dường như nhanh chóng nghèo hơn so với chính mình vài năm về trước, và khoảng cách về chi tiêu, chất lượng cuộc sống so với những nhóm người thu nhập cao ngày càng lớn hơn.
Chị Hà, người giúp việc nhà, ngập ngừng nhắn hỏi mượn trước bà chủ nhà tiền lương tháng. Chủ nhà cho mượn ngay, nhưng phải hỏi lý do, bởi chị đã làm giúp việc ở nhà này hơn năm năm nhưng chưa bao giờ mượn tiền.
Chồng chị chạy xe ôm, rủi bệnh mấy bữa phải vô bệnh viện, tiền chợ hàng ngày và tiền bệnh viện chị hết xoay xở nổi. Chạy “sô” làm giúp việc theo giờ cho ba gia đình, thu nhập hàng tháng của chị khoảng hơn 3 triệu, tăng hơn 1 triệu so với hai năm trước, nhưng “không là gì so với vật giá gia tăng”.
Chồng chị còn tệ hơn, chạy xe ôm ở Bến xe Miền Đông, hồi đó cũng hơn 3 triệu/tháng, nay chỉ còn khoảng hơn 2 triệu, chưa tính tiền đổ xăng. Anh kể hồi trước người đi xe nhiều, nay người chạy xe nhiều hơn người đi xe. Phần vì người ta đã chuyển sang dùng xe buýt cho rẻ, phần ngày càng nhiều sinh viên, người ở quê lên, hay thợ hồ thất nghiệp... gia nhập lực lượng chạy xe ôm. Chị Hà phân bua, trước có ngặt gì vẫn còn tiền dành dụm, mấy năm nay vật giá cứ tăng hoài, tằn tiện cũng chỉ đủ sống, nên hễ bệnh tật là thiếu.
Không riêng gì công nhân và dân nhập cư khốn đốn vì lạm phát và vật giá gia tăng, mà những người đã có nhà cửa tại thành phố như vợ chồng chị Hà, giáo viên, công nhân viên... ăn lương cũng trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Nếu trước đây sống tương đối ổn định, kể từ cú sốc tăng giá năm 2008 cho đến nay, họ dường như nhanh chóng nghèo hơn so với chính mình vài năm về trước, và khoảng cách về chi tiêu, chất lượng cuộc sống so với những nhóm người thu nhập cao ngày càng lớn hơn. Không có dự trữ thu nhập, chỉ cần có biến cố, như mất việc làm hay bệnh tật, gia đình sẽ lập tức bị ảnh hưởng và trở nên dễ bị tổn thương.
Nới rộng khoảng cách giàu - nghèo
Qua số liệu thống kê (*), tình trạng phân hóa giàu nghèo thể hiện qua hệ số Gini ở Việt Nam ở mức trung bình so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên mức độ đó đã tăng dần theo các năm (hệ số Gini hiện là 0,46, còn hồi năm 1996 là 0,37). Tình trạng bất bình đẳng cũng thường được xem xét thông qua các khảo sát về mức thu nhập và chi tiêu hộ gia đình qua từng thời kỳ, theo năm nhóm thu nhập. Nếu năm 2002, hệ số cách biệt thu nhập một nhân khẩu/tháng giữa nhóm 1 (nhóm 20% thu nhập thấp nhất) so với nhóm 5 (nhóm 20% thu nhập cao nhất) là 8,1 lần, và không thay đổi bao nhiêu đến năm 2006 (8,3) thì năm 2010 tỷ lệ này đã tăng lên 9,2.
Trong khi mức thu nhập vốn đã chênh lệch theo hướng ngày càng tăng, thì nhóm thu nhập thấp lại có tốc độ tăng thu nhập chậm và ít hơn các nhóm khác. Tốc độ tăng thu nhập một nhân khẩu/tháng của nhóm 1 từ năm 2002-2010 là gấp 3,4 lần, thấp hơn tốc độ tăng của nhóm 4 và 5 (3,9 đến 4 lần) trong cùng thời kỳ. Như vậy, cho dù thu nhập bình quân của hộ gia đình có tăng lên, sự gia tăng này không đồng đều và theo hướng làm cách biệt giàu-nghèo ngày càng tăng.
Mặt khác, mức chi cho lương thực, thực phẩm vẫn chiếm tỷ trọng rất cao trong chi tiêu đời sống của nhóm người thu nhập thấp, đến 65,8% tổng mức chi tiêu ở nhóm 1. Tỷ trọng này phản ảnh chất lượng cuộc sống của người dân còn thấp và dễ bị tổn thương. Điều này dễ dàng nhìn thấy qua sự khác biệt về mức chi tiêu cho các lãnh vực khác, ngoài ăn uống, giữa các nhóm thu nhập là rất lớn. Thực vậy, cách biệt về chi cho giáo dục giữa nhóm 20% thu nhập cao nhất và nhóm 20% thấp nhất là 6 lần, chi cho văn hóa giải trí gấp 123 lần.
Đáng chú ý, sự chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng miền còn thể hiện rõ hơn. Theo thống kê, tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn là 17,4%, cao gấp 2,5 lần ở thành thị. Ngoài ra, các vùng miền núi tỷ lệ nghèo còn rất cao so với các vùng miền khác: 39% ở Tây Bắc và 24% ở Đông Bắc và 22% ở Tây Nguyên.
Bất bình đẳng cơ hội là tất yếu
Các số liệu trên cũng hé mở những hệ quả tất yếu của bất bình đẳng về thu nhập, đó là bất bình đẳng về mặt xã hội và đầu tư về con người. Cơ hội cho đầu tư vào học tập của các nhóm thu nhập thấp hơn giảm sút, điều đó cũng có nghĩa tương lai họ càng không có đủ kiến thức và kỹ năng để có thể tham gia vào thị trường lao động mang lại thu nhập cao hơn. Tương tự, họ ít có cơ hội đầu tư phát triển về thể chất và tinh thần, thông qua chế độ dinh dưỡng tốt và các hoạt động thể thao giải trí, cũng làm giảm khả năng phát triển vốn con người của nhóm này.
Đó chính là dấu hiệu của bất bình đẳng cơ hội, nhất là cơ hội phát triển vốn con người thông qua giáo dục. Báo chí thường ca ngợi những em học sinh nhà nghèo, nhưng vượt khó học rất giỏi và thành đạt. Nhưng hiện tượng phổ biến lại là con nhà nghèo thì đầu tư vào giáo dục thường ít hơn, với nhiều thách thức hơn và ít cơ hội hơn, đồng thời cũng dễ bỏ học hơn. Trong thực tế, những năm qua hiện tượng bỏ học của học sinh vùng nông thôn và miền núi, khi ồ ạt khi âm ỉ, vẫn chưa hề giảm sút.
Nó là nguyên nhân hay hệ quả của bất bình đẳng?
Các nghiên cứu trên thế giới cũng đã khẳng định mối liên quan qua lại chặt chẽ giữa bất bình đẳng cơ hội và bất bình đẳng thu nhập. Bất bình đẳng thu nhập dẫn đến bất bình đẳng cơ hội và làm hiệu quả vốn con người của toàn xã hội trở nên yếu đi. Và bất bình đẳng cơ hội, ngược lại, cũng là nguồn gốc của bất bình đẳng về kinh tế và làm nó trở nên khó giải quyết hơn.
Đâu là bức tranh phân tầng xã hội?
Theo một cuộc đánh giá nhanh thực hiện ở một xã của tỉnh An Giang, khi yêu cầu một nhóm người dân thuộc mọi tầng lớp cùng đứng trên một vạch xuất phát, và nếu ai trả lời “có” cho mỗi câu hỏi về sự tham gia của họ vào các quyết định về kinh tế, xã hội của cộng đồng hay phương thức sử dụng các nguồn lực địa phương... thì bước lên một bước. Kết quả là những người bước nhiều lần lên rất cao là cán bộ lãnh đạo, rồi đến chủ doanh nghiệp, trí thức.... Còn những người mãi đứng một chỗ ở vạch xuất phát, chưa từng có bất cứ tiếng nói nào trong các quyết định cộng đồng, đó là người nghèo, người mắc nợ, người già, người không có đất, người ít học... Đó là ở một cộng đồng nhỏ, ở cấp độ cao hơn và rộng hơn, sự khác biệt về cơ hội và quyền lực giữa các tầng lớp xã hội sẽ là rất lớn.
Các khảo sát, thống kê hàng năm có thể cho thấy sự chênh lệch ở một mức độ nào đó của các nhóm dân cư, ở nhiều góc độ: thu nhập, chi tiêu, giáo dục, y tế... Tuy nhiên, vẫn chưa có những nghiên cứu khảo sát cho thấy rõ hơn một bức tranh thật sự về các tầng lớp xã hội. Ví dụ, các tầng lớp thu nhập cao nhất, hay thấp nhất, hay trung bình, họ là ai? Cái gì đã dẫn đến sự phân tầng đó? Uy tín và quyền lực trong xã hội của họ khác nhau như thế nào? Cơ hội tham gia sử dụng và hưởng lợi từ các nguồn lực của đất nước có công bằng giữa các tầng lớp xã hội không?
Chỉ khi nào làm rõ được những vấn đề đó, mới biết điều gì thực sự tạo ra bất bình đẳng cơ hội, mới có thể tìm ra cách thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng đó, đưa đến một xã hội phát triển tiến bộ và bền vững hơn.