Bình Định cần đầu tư 36.500 tỷ đồng để đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Mục tiêu quy hoạch tổng thể phát triển du lịch cua tỉnh là phấn đấu đến năm 2020, du lịch Bình Định trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế. Đến năm 2030, du lịch là ngành kinh tế có vị trí mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế chung với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ; sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang bản sắc văn hoá Bình Định, thân thiện với môi trường, đưa Bình Định trở thành một trong những địa bàn trọng điểm về du lịch, thành phố Quy Nhơn trở thành thành phố du lịch và là một trong những trung tâm du lịch của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước.
Cụ thể về phát triển ngành, năm 2020 Bình Định phấn đấu đón khoảng 5,5 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 800 nghìn lượt khách quốc tế; năm 2030 phấn đấu đón được 12 triệu lượt khách, trong đó có 1,5 triệu lượt khách quốc tế; đạt khoảng 10.000 tỷ đồng/năm; năm 2030 phấn đấu đạt khoảng 33.000 tỷ đồng/năm. Số lượng cơ sở lưu trú, đến năm 2020 Bình Định phấn đấu có khoảng 7.500 buồng; năm 2030 phấn đấu khoảng 15.000 buồng, trong đó buồng đạt chất lượng 3 sao trở lên chiếm 43% vào năm 2020 và 50% trong giai đoạn đến năm 2030.
Dự án, hạ tầng du lịch, đến năm 2020, Bình Định phát triển Khu du lịch biển, đảo Phương Mai - núi Bà cơ bản đạt chuẩn quốc gia và một số khu du lịch địa phương; phát triển hoàn chỉnh 3 tuyến du lịch chính: tuyến ven biển Quy Nhơn - Nhơn Hội - Tam Quan; tuyến Quy Nhơn - Sông Cầu; tuyến Quy Nhơn - An Nhơn - Tây Sơn. Các tuyến du lịch là động lực phát triển du lịch toàn tỉnh và tiền đề xây dựng thương hiệu cho du lịch Bình Định.
Đến năm 2030, cả tỉnh hoàn chỉnh hệ thống sản phẩm du lịch biển đảo, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, mở rộng phát triển du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó phát triển điểm du lịch quốc gia gắn với di tích Tây Sơn Tam kiệt và các sản phẩm văn hóa đặc trưng khác.
Tổng nhu cầu vốn đầu tư đến năm 2030 khoảng 36.500 tỷ đồng. Riêng giai đoạn từ nay đến năm 2020, Bình Định cần khoảng 15.000 tỷ đồng để đầu tư phát triển du lịch.
Về văn hóa - xã hội, du lịch góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, di tích cảnh quan. Du lịch cũng tạo thêm nhiều việc làm, góp phần giảm nghèo. Đến 2020, ngành du lịch tạo được 26.500 việc làm, trong đó 8.500 lao động trực tiếp, năm 2030 tạo được 68.000 việc làm, trong đó có 22.500 lao động trực tiếp.
Về môi trường, Bình Định phát triển du lịch “xanh”, du lịch cộng đồng; gắn hoạt động du lịch với mục tiêu phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Về quốc phòng, an ninh, ngành du lịch phát triển gắn với mục tiêu đảm bảo trật tự, an toàn xã hội; giữ vững quốc phòng, an ninh đặc biệt là vùng biển, đảo.