Bộ trưởng TN-MT: "Công nghệ sẽ giải quyết được mối lo môi trường"

Tại phiên chất vấn, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội) cho rằng hiện cả nước có 20 nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động, hằng năm tiêu thụ 45 triệu tấn than, thải ra 16 triệu tấn tro xỉ thạch cao. Dự kiến đến năm 2020, sẽ có thêm 12 dự án nhiệt điện nữa đi vào hoạt động, trong khi nguồn than đang dần cạn kiện và vấn đề môi trường tại các nhà máy nhiệt điện than đang diễn ra khá phức tạp, gây lo ngại trong dư luận.
 
Ông Hà hỏi Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá thế nào về tác động môi trường của các nhà máy nhiệt điện than? Hiệu quả và tính khả thi của quy hoạch điện 7? Nếu có thêm 12 dự án nhiệt điện than nữa thì giải pháp kiểm soát về môi trường sẽ như thế nào?
 
Trả lời các câu hỏi trên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nói rằng, theo quy hoạch điện 7, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, đến năm 2020 sẽ có thêm 12 nhà máy nhiệt điện than. Và Chính phủ cũng đã tính đến việc sắp xếp bố trí nguồn vật liệu, kể cả nước.
 
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết nguồn thải của nhiệt điện than gồm khí và bụi; nước làm lạnh có thể chứa một số hóa chất và nhiệt độ; tro và xỉ thải... Chất thải của nhiệt điện than sẽ gây tác động môi trường nhưng đã có hướng giải quyết bằng cách lựa chọn những công nghệ tốt hơn công nghệ xử lý lò phun và lò tầng sôi. Bên cạnh đó có thể chọn nguyên liệu than tốt để xả thải ít hơn. Với công nghệ mới, một triệu tấn than sẽ có 30% chất thải.
 
Ông Trần Hồng Hà cho biết, hiện các nhà máy điện đã nỗ lực để giải quyết vấn đề khí bụi, nước làm lạnh, cải tiến quy trình quản lý và xử lý môi trường. Tro bay của các nhà máy nhiệt điện sẽ là nguyên liệu để phối trộn xi măng. Xỉ than có thể đáp ứng nhu cầu xây dựng. EVN và các nhà máy nhiệt điện cần xem xét để chất thải ra có thể tái sử dụng làm vật liệu xây dựng. Cần tính toán để nâng cao hơn nữa công nghệ lò đốt có thể đáp ứng được vấn đề về môi trường.
 
Vẫn theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, để giảm thải từ nhiệt điện than như xỉ than và tro bay, đề nghị Bộ Xây dựng sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật để sớm xử lý khai thác, tái chế nguồn tài nguyên này. Bộ Tài Nguyên và Môi trường cũng đang phối hợp để kiểm soát kỹ lưỡng chất thải, khí thải, nước thải rắn từ các nhà máy nhiệt điện than.
 
"Trước đây đã có đánh giá môi trường liên quan đến nhiệt điện than. Nếu nhân dân, cử tri còn lo lắng về vấn đề môi trường khi phát triển nhiệt điện than thì có thể tổ chức đánh giá lại để nâng cao công nghệ của nhà máy nhiệt điện than. Công nghệ tiên tiến có thể xử lý vấn đề môi trường do phát triển điện than”, ông Hà khẳng định.