Chính phủ siết chặt quản lý các gói thầu EPC

Hạn chế tối đa sử dụng gói thầu EPC

Chỉ thị về Chấn chỉnh công tác quản lý đối với gói thầu EPC của Chính phủ ban hành ngày 17/5 nêu rõ, đối với các hợp đồng đang thực hiện, cần đảm bảo đúng tiến độ thi công, chậm và không đảm bảo chất lượng sẽ bị phạt.

Đối với các hợp đồng đang trong giai đoạn ký kết, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đơn vị cần phải rà soát các điều kiện của dự thảo hợp đồng. Trường hợp không đảm bảo tính khả thi, tính hiệu quả thì kiên quyết không ký. Song song đó, xác định rõ các chế tài trong hợp đồng đủ mạnh để ràng buộc nhà thầu phải đảm bảo tiến độ, chất lượng của công trình, kiểm soát chi phí trong tổng mức đầu tư.

Thủ tướng Chính phủ nhắc nhở, với các dự án, gói thầu được triển khai trong thời gian tới, khi lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, các chủ đầu tư cần bám sát yêu cầu về tính tiên tiến, hiện đại của thiết bị công nghệ; phản ánh chính xác và dự báo biến động của giá cả thiết bị, vật tư, hàng hóa theo giá thị trường trong nước và quốc tế; cân nhắc việc phân chia thành các gói thầu EPC... Không triển khai theo hình thức này nếu thấy không thực sự cần thiết.

"Không đấu thầu quốc tế nếu nhà thầu trong nước đảm nhận được trên 50% khối lượng gói thầu", chỉ thị nêu rõ. Khi đó, phải tổ chức đầu thầu rộng rãi trong nước.

Chính phủ siết chặt quản lý các gói thầu EPC.

Đối với phần thiết bị công nghệ trong nước không sản xuất được thì có thể được thực hiện theo 2 phương án: thứ nhất, tách phần thiết bị công nghệ thành một gói thầu riêng để tổ chức đấu thầu quốc tế; thứ hai, giao nhà thầu trong nước đã trúng thầu tổ chức lựa chọn nhà thầu phụ đặc biệt để cung cấp thiết bị công nghệ.

Trường hợp các gói thầu EPC có giá trị, quy mô lớn yêu cầu công nghệ đa dạng, phức tạp, Chính phủ giao các Bộ quản lý ngành thành lập Hội đồng khoa học về kinh tế - kỹ thuật để nghiên cứu và đề xuất phương pháp đánh giá chất lượng, tuổi thọ thiết bị trong cả đời dự án, bảo đảm so sánh được hiệu quả giữa các loại thiết bị công nghệ.

Quản lý chặt lao động nước ngoài vào Việt Nam

Trong Chỉ thị 734, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các đơn vị cần phải nghiêm chỉnh thực hiện việc sử dụng và quản lý lao động nước ngoài theo quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật về lao động.

Trong thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH cần nghiên cứu, đề xuất sửa đổi quy định "Người nước ngoài làm việc tại doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức tại Việt Nam từ đủ 3 tháng trở lên phải có giấy phép lao động" bằng quy định "Người nước ngoài làm việc tại doanh nghiệp, cơ quan tổ chức tại Việt Nam phải có giấy phép lao động" và giao các Sở thuộc Bộ này phối hợp với công an địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng lao động nước ngoài trên các công trường.

Đồng thời, Bộ Công an phải phối hợp với Bộ Ngoại giao chỉ đạo Cục Xuất nhập cảnh và cơ quan ngoại giao tại các nước kiểm soát chặt chẽ việc cấp thị thực xuất nhập cảnh cho người nước ngoài.

Trường hợp cấp thị thực cho từ 10 người trở lên vào làm việc tại Việt Nam dưới mọi hình thức phải có ý kiến của cơ quan chủ quản đầu tư hoặc chủ đầu tư.

Gói thầu EPC là gói thầu bao gồm toàn bộ các công việc thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư và xây lắp.

Thời gian qua, như đã phản ánh, việc thực hiện các gói thầu EPC tồn tại một số hạn chế: chất lượng hồ sơ mời thầu còn yếu; nhà thầu nội ít có cơ hội tham gia; quản lý lao động nước ngoài chưa chặt chẽ... nên tiến độ các dự án, công trình bị chậm trễ, chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu. Đặc biệt, đối với các dự án trọng điểm như điện... đã khiến tình trạng thiếu điện trầm trọng hơn. Trong khi đó, có đến 80-90% các gói thầu này do Trung Quốc trúng và triển khai.