Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 8/2011
Cho phép mở tài khoản tại các CTCK khác nhau
Theo Thông tư số 74/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về giao dịch chứng khoán, có hiệu lực thi hành từ 1/8/2011, nhà đầu tư (NĐT) chỉ được phép mở 1 tài khoản giao dịch tại mỗi công ty chứng khoán (CTCK) (ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt).
Trường hợp NĐT mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại các CTCK khác nhau thì trong hồ sơ mở tài khoản tại CTCK mới phải ghi rõ số lượng tài khoản đã mở và mã số tài khoản tại các CTCK trước đó.
Tại mỗi CTCK nơi NĐT mở tài khoản giao dịch, NĐT chỉ được phép mở 1 tài khoản giao dịch ký quỹ. CTCK phải quản lý tách biệt tài khoản giao dịch ký quỹ của NĐT với các tài khoản giao dịch khác.
CTCK có nghĩa vụ công bố công khai danh mục chứng khoán mà công ty thực hiện giao dịch ký quỹ.
Khuyến khích phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ
Theo Thông tư số 96/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính, có hiệu lực từ 18/8/2011, Nhà nước sẽ miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm mà trong nước chưa sản xuất được.
Bên cạnh đó, miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để sử dụng trực tiếp vào hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, bao gồm: máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư, phương tiện vận tải trong nước chưa sản xuất được, công nghệ trong nước chưa tạo ra được; tài liệu, sách, báo, tạp chí khoa học và các nguồn tin điện tử về khoa học và công nghệ.
Thông tư 96/2011/TT-BTC hướng dẫn chính sách tài chính khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ đối với các ngành: cơ khí chế tạo, điện tử - tin học, sản xuất lắp ráp ô tô, dệt - may, da - giầy và công nghiệp hỗ trợ cho phát triển công nghệ cao theo quy định tại Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg.
Phạt đến 30 triệu đồng nếu khai man chứng từ kế toán
Theo Nghị định 39/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2004/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán vừa được Chính phủ ban hành, mức phạt tiền cao nhất sẽ tăng từ 20 lên 30 triệu đồng.
Nghị định mới quy định tăng mức phạt đối với các hành vi như: vi phạm quy định về chứng từ kế toán; về sổ kế toán; tài khoản kế toán; hành nghề kế toán...
Cụ thể, đối với hành vi lập chứng từ kế toán không đủ số liên theo quy định của mỗi loại chứng từ kế toán; lập hoá đơn bán hàng nhưng không giao hoá đơn bán hàng cho khách hàng theo quy định, nếu như trước đây bị phạt từ 1-5 triệu đồng thì theo quy định mới sẽ bị phạt từ 2-10 triệu đồng.
Hành vi giả mạo, khai man chứng từ kế toán, mức phạt sẽ tăng từ 5-20 triệu đồng lên 10-30 triệu đồng.
Mức phạt từ 15-30 triệu đồng cũng sẽ được áp dụng thay cho mức phạt từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi giả mạo sổ kế toán; cố ý để ngoài sổ kế toán tài sản của đơn vị hoặc tài sản có liên quan đến đơn vị...
Thành lập Phòng Pháp chế ở 14 Sở
Theo Nghị định 55/2011/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/8/2011, Phòng Pháp chế được thành lập ở 14 Sở: Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Y tế.
Căn cứ vào nhu cầu công tác pháp chế, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định việc thành lập Phòng Pháp chế hoặc quyết định việc bố trí công chức pháp chế chuyên trách ở các cơ quan chuyên môn được thành lập theo đặc thù riêng của từng địa phương và ở các cơ quan chuyên môn ngoài 14 Sở nói trên.
Phải ưu tiên sử dụng người lao động Việt Nam thực hiện các công việc mà người lao động Việt Nam có khả năng thực hiện
Nghị định 46/2011/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/8/2011, bổ sung quy định về người nước ngoài vào Việt Nam để thực hiện các gói thầu hoặc dự án của nhà thầu nước ngoài đã trúng thầu tại Việt Nam.
Cụ thể, trong quá trình lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, chủ đầu tư phải quy định nội dung về việc sử dụng người lao động Việt Nam và người nước ngoài theo quy định của pháp luật, trong đó phải ưu tiên sử dụng người lao động Việt Nam thực hiện các công việc mà người lao động Việt Nam có khả năng thực hiện.
Trường hợp gói thầu cần sử dụng người nước ngoài có chuyên môn phù hợp với yêu cầu của gói thầu thì trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu của gói thầu phải quy định nhà thầu nước ngoài có phương án sử dụng người nước ngoài bao gồm: vị trí công việc, số lượng, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, thời gian thực hiện công việc.
Hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất của nhà thầu nước ngoài phải có phương án sử dụng người lao động Việt Nam và người nước ngoài theo yêu cầu của chủ đầu tư.