Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: 7 thách thức và 5 cơ hội

Theo Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, mặc dù Nghị quyết 13-CP với các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường đã được triển khai với các giải pháp như giảm lãi suất vay, giãn và miễn giảm thuế, giải ngân vốn đầu tư nhà nước, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài, xóa bỏ các rào cản đầu tư bất hợp lý hay các giải pháp xử lý nợ phù hợp cho doanh nghiệp; nhưng kết quả thực tế doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn, nợ xấu vẫn cao, tồn kho lớn, miễn giảm thuế không đáng kể, FDI thấp.
 
Khó khăn cũ chưa được giải quyết, cộng với những yếu tố tác động từ môi trường kinh tế thế giới chưa có nhiều dấu hiệu tích cực, theo bà Phạm Chi Lan năm 2013 các doanh nghiệp Việt Nam sẽ đối mặt với 7 thách thức lớn.
 
Thách thức đầu tiên phải kể đến là năm 2013 kinh tế vĩ mô còn bất ổn, nhiều vấn đề dài hạn chưa thể giải quyết được. Dù hai năm nay Chính phủ tập trung xử lý nhiều vấn đề nhưng đều là các vấn đề trước mắt.  Cái gốc rễ, căn cơ nhất vẫn là tái cơ cấu kinh tế, chừng nào còn chưa làm được việc này thì các bất ổn tương tự còn xẩy ra không năm này thì sẽ năm khác.
 
Thách thức thứ hai là Nhà nước muốn gỡ khó cho doanh nghiệp nhưng không thể thực hiện được. Dù mang cả quyết tâm chính trị vào với mong muốn hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nhưng do nguồn lực hạn chế, ngân sách không còn dồi dào nên việc tung ra các gói cứu trợ như trước đây đã làm là điều không thể. Theo bà, việc giảm mức thuế suất phổ thông giảm từ 25% theo Luật hiện hành xuống còn 23% và áp dụng thuế suất 20% đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa là sự cân nhắc khó khăn. 
 
Bởi theo tính toán của Bộ Tài Chính, nếu mức thuế suất này được thông qua thì từ năm 2014, dự kiến thu ngân sách Nhà nước từ thuế thu nhập doanh nghiệp còn khoảng 137.000 tỷ đồng, giảm 14.064 tỷ đồng – một con số không hề nhỏ.
 
Thách thức thứ ba đối với các doanh nghiệp, là một số chiến lược, quy hoạch, dự án phát triển phải điều chỉnh do thiếu nguồn lực và yêu cầu tái cơ cấu. Các dự án giao thông, xây dựng… đang làm dở dang nếu chậm tiến độ khả năng bị đình chỉ là rất lớn chứ không thể thong dong như trước đây.
 
Thách thức thứ tư phải kể đến, đó là kinh tế thế giới cải thiện chậm, thay đổi chính sách ở một số nước sẽ tác động đến nước ta mạnh mẽ. Dù Đông Nam Á vẫn là khu vực hấp dẫn để đầu tư, nhưng Việt Nam không phải nằm ở vị trí ưu tiên trong danh sách. Bởi hiện nay do nhiều yếu tố, không ít nhà đầu tư đã hoặc đang cần nhắc chuyển từ Việt Nam sang các nước láng giềng với nhiều lợi thế hơn, ví dụ như Myanmar chẳng hạn. 
 
Thách thức thứ năm là huy động vốn cho đầu tư của nền kinh tế và doanh nghiệp tiếp tục khó hơn. 
Bà Lan dẫn ra trường hợp điển hình như  Tổng công ty Than – Khoáng sản Việt Nam Vinacomin là một doanh nghiệp chỉ xúc tài nguyên đem bán, chi phí đầu tư không nhiều so với lợi nhuận thu được mà còn rất khó khăn khi huy động vốn, hay một vài tên tuổi lớn tuy vẫn huy động được như Hoàng Anh Gia Lai, nhưng theo bà với lãi suất cao như thế sau này cũng chẳng biết trả như thế nào. 
 
Thách thức thứ 6, cũng là điều mà bà lo ngại nhất cho các doanh nghiệp, là sức ép cạnh tranh tăng lên với sự đổ bộ của các doanh nghiệp và hàng hóa nước ngoài, đặc biệt từ Trung Quốc và ASEAN. 
 
Ở Hà Nội do thị trường rộng và hàng hóa Trung Quốc đã rất nhiều từ những năm gần đây nên sự thay đổi khó nhận ra, nhưng ở các tỉnh phía Nam, đặc biệt là TP HCM thì nhịp độ đổ bộ của hàng hóa Trung Quốc rất mạnh, đi vào từng ngõ ngách một, đi đâu cũng thấy hàng Trung Quốc bày bán.
 
Thách thức cuối cùng là bản thân các doanh nghiệp phải tự tái cơ cấu, điều chỉnh chiến lược cạnh tranh, tự vượt khó để tồn tại và thích ứng với những đòi hỏi mới. Nhưng theo bà, sẽ không nhiều doanh nghiệp biết làm và làm tốt việc tự tái cơ cấu, do bối cảnh nguồn lực các mặt có hạn và tương lai không chắc chắn, thì tái cơ cấu như thế nào đây lại trở thành bài toán lớn, dấu hỏi lớn với các doanh nghiệp.
 
Trong khi niềm tin giữa doanh nghiêp với doanh nghiệp; doanh nghiệp với ngân hàng, doanh nghiệp với nhà nước thấp, không có niềm tin thì tất cả những hoạch định chiến lược sẽ rất khó, vì nếu vừa làm vừa run thì không thể làm một cách quyết liệt, hiệu quả được.
 
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng nhắc đến 5 cơ hội mà thời gian tới nếu các doanh nghiệp tận dụng được thì cục diện sẽ thay đổi tốt hơn.
 
Cơ hội đầu tiên nằm ở chỗ điều chỉnh chính sách để ổn định kinh tế vĩ mô và tái cơ cấu kinh tế có thể giúp nền kinh tế kiềm chế lạm phát, ổn định dần. Tái cơ cấu sẽ  tạo sự phân bổ nguồn lực và chính sách khuyến khích công bằng, hiệu quả hơn. 
Một trong những cốt lõi của tái cơ cấu mà các nhóm chuyên gia đều khuyến nghị rất mạnh là phải thay đổi cách phân bố nguồn lực. Không đổ dồn vốn cho doanh nghiệp nhà nước, không đổ dồn cho đầu tư công. 
 
Theo bà Lan, cơ chế cho vay hiện nay chỉ khuyến khích đầu cơ chứ không khuyến khích cho vay để đầu tư. Nếu những khuyến nghị này được Chính phủ thuận theo thì nguồn lực sẽ được phân bổ về cho các doanh nghiệp thực sự đổi mới sáng tạo, có các dự án tiềm năng hơn.
 
Nhân tố thứ ba đến từ việc hội nhập quốc tế sâu rộng hơn và các FTA mới (EPA, TPP, EU) tạo sự cải thiện mạnh môi trường kinh doanh, tạo cơ hội TM & ĐT về nhiều mặt cho doanh nghiệp.
 
Thứ tư là thị trường khu vực phát triển khá cao và ổn định, với những xu thế mới thuận lợi hơn (chú trọng thị trường nội địa, nâng trình độ công nghệ, tăng cường liên kết KT trong khu vực).
Cuối cùng, việc các doanh nghiệp đã thấy rõ những yêu cầu và thách thức cho phát triển dài hạn của mình, không thể không thay đổi mạnh. Bởi các doanh nghiệp đã bị dồn đến chân tường rồi, buộc phải thay đổi nếu không muốn biến mất.