Cơ chế giúp “Hòn ngọc Viễn Đông” tỏa sáng
So với cơ chế hiện hành, cơ chế mới sẽ cho phép TP.HCM được vay nợ đến 70% số thu ngân sách địa phương được hưởng (các địa phương khác, trừ Hà Nội chỉ được vay nợ tối đa 20-30%); hằng năm được Trung ương bổ sung có mục tiêu không quá 70% từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương; được tạm ứng từ Quỹ Dự trữ của địa phương để đầu tư cho dự án hạ tầng quan trọng; được thưởng vượt thu 30% số tăng thu trên địa bàn…
Với cơ chế mới, TP.HCM - “Hòn ngọc Viễn Đông” một thời, đang có nhiều cơ hội nâng tầm vị thế.
Trên thực tế, với cơ chế, chính sách hiện hành, trong 12 năm qua, TP.HCM đạt mức tăng trưởng kinh tế bình quân 10,2%/năm; đóng góp trên 30% tổng thu nội địa, gầ n 40% GDP của cả nước...
Đây còn là đầu tàu kinh tế, là một trong những địa phương năng động nhất của cả nước… Bộ mặt đô thị, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ này ngày càng hiện đại, văn minh, hướng tới một thành phố thông minh, xứng tầm khu vực.
Có thể ví cơ chế và chính sách hiện hành là “chiếc áo” quá chật trên cơ thể phát triển ngày càng cường tráng của TP.HCM. Vì vậy, việc Thường vụ Quốc hội cho phép Chính phủ thay chiếc áo cũ bằng chiếc áo đủ rộng ở thời điểm này là rất kịp thời.
“Chiếc áo” mới sẽ tạo sự chủ động, đồng thời tăng trách nhiệm cho chính quyền Thành phố trong quản lý ngân sách; đáp ứng yêu cầu đổi mới cơ chế kinh tế phù hợp với đầu tàu kinh tế của cả nước; tạo động lực phát triển các nguồn lực, đáp ứng với yêu cầu quản lý đô thị văn minh, hiện đại.
Đây còn được xem là cơ sở pháp lý vô cùng quan trọng để TP.HCM tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu, là động lực dẫn dắt nền kinh tế, là nguồn thu chính của ngân khố quốc gia, là địa phương có sức thu hút và sức lan toả lớn đối với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Song, tham vọng của Đảng bộ và Chính quyền TP.HCM không chỉ có vậy. Hiện TP.HCM đã xây dựng Đề án Phát triển kinh tế - xã hội mới giai đoạn 2016 - 2020, với mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 2 con số/năm và cứ sau 7-8 năm, thu nhập của người dân lại tăng gấp đôi. Trong tương lai gần, TP.HCM còn nhằm mục tiêu trở thành một trong những trung tâm tài chính khu vực châu Á, là trung tâm khoa học - công nghệ; đầu mối giao thương quan trọng bậc nhất khu vực, dần lấy lại hình ảnh “Hòn ngọc Viễn Đông” một thời và phấn đấu là một trong những đô thị, văn minh, hiện đại mang tầm thế giới…
Hỗ trợ TP.HCM thực hiện tham vọng này, có lẽ, việc ban hành nghị định mới với các cơ chế thông thoáng hơn, ưu đãi hơn, đặc thù hơn vẫn chưa đủ. Do vậy, Quốc hội cần sớm thông qua nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng áp dụng cho TP.HCM không chỉ trong lĩnh vực tài chính, ngân sách, mà còn cả trong quản lý đô thị, bộ máy, tổ chức biên chế, huy động vốn, đầu tư…
Phải khẳng định rằng, các cơ chế mới nói trên không phải để TP.HCM trở thành “vương quốc riêng”, hay thành đặc khu kinh tế được hưởng đặc quyền, đặc lợi, mà để thành phố này đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách nhà nước, xứng đáng là đầu tàu, là động lực của cả nước trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam mở cửa, hội nhập sâu rộng và cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Với góc nhìn như vậy, TP.HCM có thể không phải là trường hợp duy nhất, là thành phố lớn duy nhất được tạo điều kiện thuận lợi, bởi chính quyền, người dân tại những thành phố đầu tàu khác cũng đang rất kỳ vọng, chờ đợi cơ chế tạo sự bứt phá, qua đó hình thành thêm những thành phố “Hòn ngọc Viễn Đông” mới, đóng góp ngày nhiều vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.