Cổ đông Prime Group bỗng chốc "thịnh vượng" nhờ đại gia Thái Lan

Một câu chuyện DWS Vietnam Fund ít muốn nhắc đến

Vào tháng 10/2008, khi rót 19,7 triệu USD để sở hữu 10,4% cổ phần của Prime Group, Quỹ DWS Vietnam Fund (“DVF”) tự tin khẳng định công ty sản xuất gạch men thuộc top đầu thế giới tính theo sản lượng này sẽ có tương lai xán lạn. DVF cho rằng nhờ thị phần lớn nhất (30%) và sản xuất chủ yếu phục vụ nội địa (trên 80%), Prime Group sẽ không bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế toàn cầu.

Thậm chí, đây còn là cơ hội. Các đối thủ cạnh tranh sẽ đóng cửa trước và thị phần của Prime Group còn tăng nữa. Khi ấy thị trường nhà đất TP.HCM mới “loạng choạng” còn chung cư ở Hà Nội vẫn tăng giá vù vù.

Trong vòng một năm sau đó, VN-Index tăng gấp đôi từ đáy 235,5 điểm đầu năm 2009 lên mức 494,77 điểm vào phiên giao dịch cuối cùng của năm.

Nhưng giá trị khoản đầu tư vào Prime Group lại liên tục “rớt”. Bộ phận định giá tài sản độc lập của Deutsche Bank (ngân hàng mẹ của công ty quản lý quỹ DVF) đánh tụt giá trị của khoản đầu tư vào Prime Group xuống 15 triệu USD vàogiữa năm rồi 13,9 triệu USD vào cuối năm 2009. Như vậy, Prime Group mất 30% giá trị ngay trong “mùa vàng” 2009.

Sang đến năm 2010, tuy tình hình có sáng sủa hơn và khoản đầu tư vào Prime Group đã có lúc được định giá tới trên 25 triệu USD nhưng đến năm 2011, khi cái chết của thị trường bất động sản đã quá rõ, Prime Group lại lao dốc.

Cũng phải nói thêm rằng, con số 25 triệu USD kể trên của DWS Vietnam là dựa vào mức định giá đầy lạc quan của một quỹ ngoại khác là VinaCapital, thời gian đó mới rót vốn vào Prime Group.

Tức mức 25 triệu USD vào giữa năm 2010, giá trị khoản đầu tư vào Prime Group tụt xuống còn 21,5 triệu USD trong kỳ đánh giá lại vào cuối năm. Ba tháng sau, vào tháng 3/2011, Prime Group lại sụt tiếp hơn một nửa, xuống còn 10 triệu USD, “do các tỷ số dùng để định giá doanh nghiệp của các công ty cùng ngành giảm” (theo báo cáo bán niên 2011 của Quỹ DVF).

Đến cuối năm 2011, “do kết quả tài chính dưới mức kỳ vọng”, Prime lại rớt tiếp trên 40% nữa và 19,7 triệu USD ban đầu của DVF nay chỉ đáng giá vỏn vẹn 5,9 triệu USD, tức lỗ 70%.

Tới lượt Vinacapital

Tháng 03/2010, Vinacapital thông qua Quỹ Vietnam Opportunity Fund (“VOF”) bỏ ra 15 triệu USD để sở hữu 7,1% cổ phần của Prime Group. Trong Báo cáo thường niên năm 2010, VOF nhận định lợi nhuận của Prime Group sẽ tăng trưởng với tốc độ 30%/năm trong ít nhất ba năm sắp tới.

Nhưng khi bất động sản đóng băng thì ngành vật liệu xây dựng cũng chết đứng theo. Ngay cả những doanh nghiệp từng một thời được đánh giá là siêu lợi nhuận như Viglacera Đông Triều (MCK: DTC) với mức EPS gần 20.000 những năm trước cũng lâm vào khó khăn, thậm chí sang tới năm 2012 còn âm hết vốn chủ sở hữu.

Trong 6 tháng đầu năm 2012, Prime Group kinh doanh vẫn có lời, lợi nhuận tăng trưởng 8% so với cùng kỳ những cũng chỉ ở mức 39,9 tỷ đồng. Không như dự đoán của DWS Vietnam, thị phần của Prime giảm từ 30% lúc quỹ này mới đầu tư nay chỉ còn 20%.

Tuy vậy, cho đến kỳ báo cáo mới nhất vào tháng 11/2012, Vinacapital chỉ điều chỉnh giảm giá trị khoản đầu tư vào Prime Group theo chênh lệch tỷ giá USD/VND, tức giảm khoảng 10%.

Siêu nhân xuất hiện

Tới kỳ báo cáo gần nhất vào tháng 10/2012, DWS Vietnam Fund ghi nhận giá trị khoản đầu tư vào Prime Group ở mức 16,4 triệu USD. Với tỷ lệ nắm giữ 11,9%, quỹ này định giá Prime Group vào khoảng 138 triệu USD.

Quỹ VOF của Vinacapital có vẻ “nương tay” hơn. 7,1% cổ phần Prime Group do quỹ này nắm giữ được định giá vào khoảng 13,5 triệu USD, tương đương với giá trị khoảng 190 triệu USD cho toàn tập đoàn.

Đúng lúc này Siam Cement Group (“SCG”, Tập đoàn Xi măng Xiêm) xuất hiện với 7,2 tỷ baht cho 85% cổ phần của Prime Group. Như vậy, SCG đang định giá Prime Group ở mức 277 triệu USD tính theo tỷ giá hiện nay.

Thương vụ SCG mua lại Prime Group đã ngay lập tức tăng gấp đôi giá trị khoản đầu tư của DWS Vietnam Fund và tăng 40% giá trị khoản đầu tư của VOF. Nếu tính từ khi bắt đầu rót vốn, DWS Vietnam thu lời 60% còn VOF kiếm được 30%, một hệ số sinh lời quá ổn.

Tuyệt vời hơn, bạn đọc nên lưu ý mọi con số trong bài viết này đều được tính bằng USD, tức là mức lợi nhuận kể trên của hai quỹ DWS Vietnam và VOF đã tính tới cả lỗ chênh lệch tỷ giá trong kỳ, thứ vẫn ăn mòn các quỹ đầu tư nước ngoài bao nhiêu năm nay.