Cơ hội và thách thức trong quan hệ hợp tác kinh tế Việt-Trung
Hội thảo là dịp để hai bên đối thoại, nhận diện đúng những tiềm năng, cơ hội, thách thức, nhằm tìm ra các biện pháp tăng cường thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội thảo, Đại sứ Nguyễn Văn Thơ khẳng định, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng có mối quan hệ truyền thống hữu nghị lâu đời. Những năm qua, lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được nhiều nhận thức quan trọng, đưa ra Chương trình Hành động nhằm triển khai quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung. \
Cho dù hai nước vẫn còn tồn tại một số vấn đề, song hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư song phương đã đạt nhiều tiến triển tích cực. Hai bên đang triển khai Quy hoạch phát triển năm năm hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam-Trung Quốc giai đoạn 2012-2016.
Về thương mại, đến tháng 11/2014, kim ngạch song phương hai nước đã đạt hơn 53 tỷ USD (theo số liệu của Trung Quốc là 74 tỷ USD), tăng trên 26% so với cùng kỳ năm ngoái.
Từ nhiều năm qua, Trung Quốc luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, và Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai trong ASEAN của Trung Quốc, chỉ đứng sau Indonesia. Mục tiêu đưa kim ngạch thương mại lên 60 tỷ USD vào năm 2015 đã vượt trước thời hạn. Trung Quốc đang là nhà đầu tư đứng thứ chín tại Việt Nam với tổng số vốn gần 8 tỷ USD.
Việt Nam và Trung Quốc cũng đang cùng tham gia vào nhiều liên kết khu vực đang hình thành, trong đó có Khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc nâng cấp, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), sáng kiến Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á.
Tại Hội thảo, các diễn giả đều bày tỏ tiềm năng và cơ hội trong hợp tác kinh tế thương mại Việt-Trung là rất lớn, tuy nhiên cũng thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề và thách thức trong mối quan hệ kinh tế thương mại song phương hiện nay.
Việt Nam và Trung Quốc cần phát huy hơn nữa những điểm đồng nhất về lợi ích giữa hai nước và những tiềm năng có thể bổ sung cho nhau, giải quyết vấn đề nhập siêu của Việt Nam, nâng cao chất lượng hợp tác đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng cho phù hợp với mô hình và định hướng phát triển mới của hai nước, tận dụng cơ hội và không gian phát triển to lớn trước việc hình thành các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, các liên kết khu vực..., đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang có những chuyển biến nhanh chóng với liên kết đa tầng, đa nấc phát triển ngày càng sâu rộng./.