Có quá coi trọng FDI?
Số liệu về xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam giai đoạn 2000-2013 cho thấy thâm hụt thương mại lên cao nhất vào năm 2008 (hơn 18 tỉ đô la Mỹ) và sau đó giảm liên tiếp. Đến năm 2012 và 2013, thặng dư thương mại là con số dương, lần lượt đạt 749 triệu đô la Mỹ và 863 triệu đô la Mỹ. Thực ra điều này không hoàn toàn là yếu tố tích cực, đặc biệt nếu nhìn vào cấu trúc về sở hữu của xuất nhập khẩu.
Nếu năm 2000 tỷ trọng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước chiếm 53% tổng giá trị xuất khẩu thì đến năm 2013 con số này chỉ còn 33%. Trong khi đó, tỷ trọng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong tổng giá trị xuất khẩu tăng từ 47% lên 67%. Điều này phần nào phản ánh nền sản xuất trong nước đang dịch chuyển sở hữu một cách mạnh mẽ. Do không bị ảnh hưởng của cơ chế, khu vực kinh tế FDI đang chiếm lĩnh “trận địa” một cách nhanh chóng. Khi khu vực FDI lấn lướt khu vực kinh tế trong nước thì mặt trái của nó không chỉ là sự chuyển giá mà còn là sự chuyển đổi sở hữu giữa hai khu vực này.
Nếu nhìn trong ngắn hạn, dường như thặng dư thương mại dương và GDP tăng do tăng trưởng của khu vực FDI là điều tốt, nhưng về trung và dài hạn tình hình sẽ ra sao khi nền sản xuất trong nước bị nước ngoài khống chế.
Chẳng hạn vào hai năm 2012 và 2013, Việt Nam đạt thặng dư thương mại thì luồng tiền chi trả sở hữu thuần (chi trả sở hữu - thu nhập sở hữu) ra nước ngoài là 6,9 tỉ đô la Mỹ vào năm 2012 (theo số liệu của ADB và Tổng cục Thống kê) và khoảng xấp xỉ 8 tỉ đô la Mỹ năm 2013 (theo ước tính của người viết).
Như vậy có thể thấy không thể lấy cái lợi nhỏ trước mắt mà không nghĩ đến thiệt hại về lâu dài do đẩy nền kinh tế vào tay các nhà đầu tư nước ngoài. Việc nới room (tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của người nước ngoài) cho doanh nghiệp cần được tính toán kỹ lưỡng. Ngoài ra, để giúp doanh nghiệp trong nước xác lập lại vị thế của mình thì việc tái cấu trúc nền kinh tế, cải cách thể chế và thay đổi thái độ ứng xử của chính sách đối với doanh nghiệp trong nước (đặc biệt khối doanh nghiệp tư nhân và các doanh nghiệp có hàm lượng sáng tạo) cần phải được thực hiện quyết liệt.
Hiện tại, khu vực FDI được ưu đãi đủ thứ từ chính sách đất đai, thuế... đến thái độ cư xử của chính quyền, nhưng hàm lượng giá trị gia tăng trong xuất khẩu của khu vực này luôn thấp và ngày càng thấp. Như vậy, liệu các chính sách ưu đãi xuất khẩu có đang nới rộng thêm khoảng cách về sự phân biệt giữa khu vực FDI và khu vực kinh tế trong nước.
Tình hình hiện nay cũng đáng lo khi mà tư tưởng coi trọng quá mức người nước ngoài mà coi thường chính đồng bào mình đang phổ biến ở một số nơi.