CT HĐQT Sài Gòn Co-op Mart chia sẻ cách giải quyết hàng tồn kho
Theo ông Hòa, muốn giải quyết hàng tồn kho của DN thì không thể không có những chính sách tích cực hỗ trợ cho các DN phân phối.
- Theo ông, đâu là giải pháp để giải quyết hàng tồn kho cho các DN trong hoàn cảnh hiện nay ?
Trong lĩnh vực phân phối phải chia làm hai nhóm. Thứ nhất là các vật tư phục vụ cho sản xuất như: sắt thép, xi măng, sơn... Thứ hai là các mặt hàng tiêu dùng. Mỗi lĩnh vực có những đặc thù khác nhau.
Muốn giải quyết được hàng tồn kho thì phải kích thích được sức mua. Để kích sức mua thì phải có các chính sách phù hợp. Theo tôi, ưu tiên thứ nhất là phải giúp cho DN hạ được giá thành, giảm chi phí đầu vào, giảm được lãi suất. Cơ chế lãi suất mới đã tốt hơn nhưng phải làm sao cho cơ chế lãi suất mới đi được vào giá thành sản phẩm. Bởi hàng tồn kho hiện nay chủ yếu là hạch toán theo chu kỳ cũ với cơ chế lãi suất cũ. Lãi suất mới đối với đồng vốn mới nhiều khi không có nhiều ý nghĩa vì hàng tồn kho chất đống, DN không dám vay tiếp. Có lẽ bây giờ ngân hàng và DN nên ngồi lại với nhau bàn biện pháp tháo gỡ, và nếu như được giảm một phần theo lãi suất mới sẽ góp phần hạ giá bán để đẩy hàng tồn kho ra.
Thứ hai là hỗ trợ cho người tiêu dùng thông qua giảm thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân, điều đó sẽ kích thích người tiêu dùng.
- Sản xuất- phân phối- người tiêu dùng luôn có mối quan hệ mật thiết và là ba khâu không thể tách rời. Tuy nhiên, có vẻ như những chính sách gần đây chỉ mới tập trung “gỡ khó” cho sản xuất và người tiêu dùng mà quên mất khâu đặc biệt quan trọng là phân phối thưa ông ?
Đúng như vậy. Trong khi mạng lưới phân phối của chúng ta chưa được rộng khắp thì phần lớn các DN sản xuất cũng chưa thể thiết lập được hệ thống phân phối riêng của mình. Trong lưu thông hàng hóa, phân phối luôn có một vai trò đặc biệt quan trọng, đôi khi nó quyết định sự thành bại của một thương hiệu, sản phẩm. Nếu hệ thống phân phối đủ mạnh sẽ góp phần rất lớn để hạ chi phí trong quá trình lưu thông và hạ giá bán sản phẩm.
- Vậy với riêng DN phân phối, theo ông cần hỗ trợ theo hướng nào để giải quyết bài toán cấp thiết hiện nay ?
Hỗ trợ trước mắt là tạo điều kiện cho các DN phân phối mở nhanh các điểm bán hàng. Trong đó bao gồm có xây dựng điểm bán, thứ hai là có những chính sách hỗ trợ cho các chương trình đưa hàng về nông thôn để giải phóng hàng tồn kho của DN.
Về lâu dài cần có chính sách quy hoạch mạng lưới, mở rộng mạng lưới.
Các DN phân phối đang rất mong chờ vào chính sách cụ thể của nhà nước để có thể lồng ghép được với các chính sách vĩ mô. Bởi liên quan đến việc mở rộng điểm bán đòi hỏi phải có mặt bằng, đất đai. Trước đây, quy định việc xây dựng mở rộng các trung tâm thương mại phải giao đất một lần, DN cần phải một lượng vốn rất lớn. Trong bối cảnh lãi suất cao như hiện nay thì đó là áp lực rất lớn cho các DN phân phối. Vì vậy, nhà nước điều chỉnh được chính sách vừa có giao đất và cho thuê đất thì cũng sẽ hỗ trợ DN phần nào.
Đặc biệt, nếu kết hợp được chính sách nhà nước miễn giảm tiền thuê đất hiện nay thì cũng tạo điều kiện cho DN.
Giải quyết “Tồn kho” - ưu tiên số 1
“Cứu” DN cần một bài toán đa biến. Nếu xếp theo thứ tự ưu tiên thì điều quan trọng đối với DN hiện nay là giải quyết hàng tồn kho; thứ hai là tiếp cận vốn; thứ ba là lãi suất; thứ tư là năng lực quản trị nói chung và năng lực tài chính nói riêng của DN; thứ năm là sự can thiệp của nhà nước. Cả năm cái biến đó cùng vận hành thì mới có thể cứu được DN.
Tôi giả thiết giảm lãi suất xuống 5%/năm cũng không thể gỡ ngay cho DN được, ưu tiên đầu tiên vẫn là giải quyết hàng tồn kho bởi nếu lãi suất thấp nhưng hàng tồn kho vẫn chất đống thì DN cũng chẳng vay để làm gì ? Lãi suất có ý nghĩa cách đây 3 - 6 tháng và có ý nghĩa sau đây 6 - 9 tháng. Hạ lãi suất thì phải có đủ thời gian cho người ta vay, lên phương án rồi giải quyết tồn kho thì mới có thể hấp thụ được.
GS.TS Đặng Đình Đào - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (Đại học Kinh tế quốc dân): DN cần xem lại mình
Ngoài lí do sức mua trên thị trường trong và ngoài nước sụt giảm, hàng tồn kho tăng cao còn có nguyên nhân rất lớn từ bản thân các DN. Khi tính toán kế hoạch sản xuất có thể DN chưa dựa vào nhu cầu thị trường, chưa có sự tính toán khoa học. Hàng tồn kho trên định mức cho phép là điều tất yếu để đảm bảo tuần hoàn cung - cầu trên thị trường. Tuy nhiên, tồn kho ở mức độ nào là điều cần phải xem xét kĩ. Ngoài ra, hệ thống phân phối sản phẩm của DN cũng còn có vấn đề chưa tốt, làm cho tiêu thụ sản phẩm chậm. Bên cạnh đó, các DN vẫn còn định giá bán sản phẩm ở mức cao. Khi nền kinh tế gặp khó khăn thì tất yếu sức mua giảm.