Đa diện dòng vốn FDI

Đa diện dòng vốn FDI

Con số này được tính đến ngày 21/10/2009. Có nghĩa là chưa tính tới 1,68 tỷ USD của Dự án Thành phố Sáng tạo (mới được UBND tỉnh Phú Yên cấp phép ngày 24/10/2009).

Như vậy, dòng vốn FDI vẫn đang tiến triển khá đều đặn và đúng theo dự kiến của các nhà quản lý. Trong 10 tháng đầu năm 2009, có 658 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký 14,05 tỷ USD và 179 dự án đăng ký tăng vốn đầu tư, với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 4,87 tỷ USD.
 
Phần lớn các dự án này tập trung vào 3 lĩnh vực chính là dịch vụ lưu trú và ăn uống (8,7 tỷ USD), kinh doanh bất động sản (5,67 tỷ USD) và công nghiệp chế biến - chế tạo (2,65 tỷ USD).
 
Nếu tính lũy kế, thì công nghiệp chế biến - chế tạo vẫn là lĩnh vực thu hút vốn FDI lớn nhất, chiếm 62,1% số dự án và 50,6% vốn đăng ký tại Việt Nam. Trong khi đó, đầu tư kinh doanh bất động sản đang gia tăng mạnh mẽ, trở thành lĩnh vực đứng thứ hai trong thu hút vốn FDI, với 312 dự án, tổng vốn đăng ký 38,4 tỷ USD, chiếm 2,9% số dự án và 22% tổng vốn đăng ký tại Việt Nam. Đây cũng là lĩnh vực được đánh giá là có nhiều điểm đặc thù.
 
Xét riêng trong 10 tháng đầu năm 2009, nếu tính cả Dự án Thành phố Sáng tạo, thì lĩnh vực kinh doanh bất động sản tiếp tục là nơi thu hút các dự án tỷ USD. Chỉ trong hai tháng (9 - 10/2009), có tới 3 dự án thuộc diện này được cấp phép. Quy mô vốn lớn nhất thuộc về Dự án Khu du lịch sinh thái Bãi biển Rồng tại Quảng Nam, với tổng vốn đăng ký là 4,15 tỷ USD. Tiếp đến là Dự án Công ty TNHH Thành phố mới Nhơn Trạch Berjaya tại Đồng Nai có tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD.
 
Cũng trong thời điểm cuối tháng 10/2009, Dự án Hà Nội City Complex của Công ty TNHH Coralis Việt Nam, từng nổi danh là dự án cao nhất Việt Nam vào thời điểm cấp phép (27/1/2005), đã tái khởi công. Tổng vốn đầu tư của Dự án đã được nhà đầu tư (Tập đoàn Lotte, Hàn Quốc) nâng từ 115 triệu USD lên 400 triệu USD. Việc tái khởi công Dự án Hà Nội City Complex đã góp phần đưa tổng vốn giải ngân 10 tháng đầu năm 2009 đạt con số 8 tỷ USD, bằng 87,9% so với cùng kỳ năm 2008.
 
So với mục tiêu giải ngân 10 tỷ USD năm 2009, những chuyển động tích cực của các dự án FDI thời gian qua đang rút ngắn thời gian cán đích. Tuy nhiên, trong lĩnh vực bất động sản, nhiều động thái đang cho thấy có sự chuyển dịch chủ đầu tư tại một số dự án quy mô lớn. Dự án Hà Nội City Complex là một ví dụ. Thông tin chủ đầu tư về tay Lotte chỉ được công bố rộng rãi khi tiến hành khởi công lại Dự án này.
 
Bên cạnh đó, mặc dù chưa có thông tin chính thức, song chủ mới của vị trí vàng mà Tập đoàn Riviera (Nhật Bản) đã đặt chỗ cho Dự án Khách sạn Hoa Sen với tổng đầu tư 500 triệu USD (quy mô lớn nhất Hà Nội) có thể sẽ là Tổng công ty Phát triển hạ tầng đô thị Kinh Bắc. Tập đoàn Riviera Nhật Bản trước đó đã xin rút khỏi Dự án, với lý do tác động của khủng hoảng tài chính.
 
Dự án Hồ điều hoà Xương Rồng và Khu đô thị với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD của Công ty TNHH Intra Việt Nam (thuộc Tập đoàn Intra Nhật Bản) tại Thái Nguyên cũng đang trong quá trình tìm kiếm nhà đầu tư mới. Intra đã buộc phải xin rút khỏi Dự án do không thu xếp được nguồn tài chính, để dự án kéo dài quá hạn định. Thông tin về chủ mới của Dự án này chưa được tiết lộ, song cũng đang có tính toán về khả năng chuyển giao cho nhà đầu tư trong nước thực hiện.
 
Thực tế này đang tạo áp lực khá lớn đối với các đề xuất đầu tư vào lĩnh vực bất động sản của các nhà đầu tư nước ngoài. Việc UBND tỉnh Phú Yên chỉ xem xét, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho giai đoạn I Dự án Thành phố Sáng tạo là một sự cân nhắc. Theo UBND tỉnh Phú Yên, việc cấp phép cho các giai đoạn tiếp của Dự án này chỉ được xem xét dựa trên khả năng thực hiện giai đoạn I của chủ đầu tư là Công ty Galileo Investment Group Inc (Hoa Kỳ).