Đà Nẵng quyết tâm thu hút đầu tư có chọn lọc
Tại cuộc đối thoại trực tuyến “PCI và vị thế của Đà Nẵng” do Cổng Thông tin điện tử TP. Đà Nẵng tổ chức ngày 21/4, ông Lê Hồng Phong, Phó Trưởng phòng Doanh nghiệp, Kinh tế tập thể và Tư nhân (Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng) cho biết, Thành phố đã và đang hướng đến xây dựng một thành phố thân thiện môi trường với nền kinh tế xanh, phát triển kinh tế bền vững.
Với mục tiêu đó, mặc dù nguồn vốn FDI trong những năm qua đạt thấp nhưng Thành phố vẫn từ chối nhiều dự án lớn có quy mô vốn từ 200 triệu đến 2 tỷ USD trong các lĩnh vực sản xuất thép, sản xuất giấy, dệt nhuộm nhằm tránh những rủi ro, gây tác động xấu đến môi trường.
Theo kế hoạch, đến năm 2020, Đà Nẵng cơ bản đạt được các yêu cầu về chất lượng môi trường đất, nước, không khí, ngăn ngừa ô nhiễm, suy thoái môi trường, đặc biệt là môi trường biển.
Để bảo đảm được điều này, Thành phố đã yêu cầu các ngành, đơn vị liên quan xử lý triệt để các điểm nóng về môi trường. Đến nay, về cơ bản các điểm nóng đã được xử lý, đặc biệt là trong các khu công nghiệp lớn của Thành phố. Bước đầu, các khu công nghiệp này đã được xây dựng các trạm xử lý, hệ thống thu gom nước thải.
Tuy nhiên, các hệ thống này vẫn chưa đạt yêu cầu, tình trạng nước thải vượt tiêu chuẩn sau xử lý vẫn liên tục xảy ra... Mặt khác, hạ tầng thoát nước và thu gom nước thải ở các khu công nghiệp xuống cấp, đầu tư chắp vá không bảo đảm nên tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Do đó, trong thời gian tới, Thành phố sẽ tập trung xử lý dứt điểm tình trạng này, bảo đảm môi trường làm việc thân thiện cho người lao động và các chuyên gia nước ngoài.
Bên cạnh đó, Thành phố cũng đưa ra những định hướng đối với thu hút đầu tư. Về công nghiệp, định hướng chung trong hoạt động thu hút FDI là phải chọn lọc thật kỹ. Theo đó, tập trung vào các dự án có ngành hàng và sản phẩm sử dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, có hàm lượng chất xám cao; coi trọng thu hút các dự án phát triển công nghiệp phụ trợ và công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu. Các dự án FDI được đặc biệt ưu tiên là vào các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin, điện tử, hoá dược.
Về dịch vụ, Đà Nẵng tập trung thu hút FDI vào một số dịch vụ du lịch (khách sạn, nhà hàng, lưu trú, lữ hành, trung tâm hội nghị và triển lãm quốc tế và các dịch vụ du lịch khác); dịch vụ giáo dục-đào tạo (giáo dục bậc cao, đào tạo nghề); dịch vụ y tế (bệnh viện đa khoa quốc tế, chuyên khoa và các dịch vụ y tế khác); dịch vụ văn hóa, giải trí và thể thao; dịch vụ thương mại (dịch vụ bán buôn, bán lẻ, cửa hàng miễn thuế, dịch vụ nhượng quyền thương mại, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ); dịch vụ công nghệ thông tin, dịch vụ chuyển phát nhanh; dịch vụ logistics, tài chính, ngân hàng.
Nhằm cải thiện tình hình thu hút đầu tư tương xứng với vị thế PCI của địa phương, tạo niềm tin cho nhà đầu tư, ông Lê Hồng Phong cho biết, tới đây, Thành phố sẽ tiếp tục giải quyết các vấn đề: Đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng đối với các khu đất đã được quy hoạch tạo mặt bằng sẵn có và công khai các địa điểm quy hoạch nhằm rút ngắn thời gian tổ chức đấu giá, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu về lao động tay nghề cao cho các doanh nghiệp; xây dựng cơ chế ưu đãi để thu hút các dự án đầu tư trọng điểm; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, trong đó xây dựng hệ thống phần mềm đánh giá cán bộ, công chức và cơ quan trực tiếp xử lý thủ tục hành chính để quy trách nhiệm và xử lý theo quy định.
Xây dựng thành phố đáng sống, thành phố 4 "an" (“an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm và an sinh xã hội”) nhằm đáp ứng nhu cầu sinh sống của các nhà đầu tư trong và ngoài nước khi đến làm việc tại Đà Nẵng.
Với nỗ lực thu hút đầu tư, theo thống kê từ Ban Hỗ trợ và Xúc tiến đầu tư TP. Đà Nẵng, trong quý I, Đà Nẵng đã cấp mới được 16 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 6,128 triệu USD. Có 2 dự án đầu tư tăng vốn với tổng vốn tăng thêm là 759.000 USD. So với cùng kỳ năm ngoái, tổng vốn cấp mới và tăng thêm tăng 35% so với cùng kỳ năm 2016.
Hiện nay, Ban đang xúc tiến 20 dự án với tổng vốn đầu tư dự kiến đạt khoảng gần 600 triệu USD, chủ yếu tập trung trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, năng lượng, công nghệ thông tin, giáo dục, logistics…, trong đó có 9 dự án có hoạt động triển khai trong năm 2017.