Đà Nẵng vận hành Nhà máy xử lý chất thải rắn công suất 200 tấn rác/ngày
<!--[if gte mso 9]><xml>
Sự kiện này đã mở ra bước ngoặt mới trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn tại Việt Nam khi lần đầu tiên một công ty Việt Nam đầu tư đưa vào ứng dụng công nghệ xử lý triệt để 100% chất thải rắn, đồng thời sản xuất ra những sản phẩm nhiên liệu tái tạo không gây ô nhiễm thứ cấp ra môi trường.
Với việc ứng dụng công nghệ này, các chất thải rắn sẽ được phân loại thành 3 thành phần chính là nylon, rác hữu cơ, đất đá xà bần - lọ thuỷ tinh. Nylon sau đó sẽ đưa vào dây chuyền nhiệt phân cracking để cho ra sản phẩm là dầu PO, RO, FO. Rác hữu cơ sẽ được đưa vào dây chuyền nung yếm khí để tạo ra than sinh học và than biochar. Đất đá, xà bần, chai lọ thuỷ tinh sẽ được nhiệt khử các thành phần tạp chất ô nhiễm sau đó sẽ được nghiền nhỏ, thêm phụ gia để cho ra sản phẩm là gạch không nung. Tất cả các sản phẩm nói trên đã được kiểm định đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định.
Việc đưa vào ứng dụng công nghệ này, TP Đà Nẵng kỳ vọng sẽ tiến tới chấm dứt phương pháp xử lý rác thải sinh hoạt theo phương pháp chôn lấp cũ trong tương lai không xa, góp phần hạn chế việc chiếm quỹ đất, phát tán mùi hôi, khí thải độc hại, ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt…tại các khu vực lân cận.
Có mặt tại lễ khánh thành, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết:“ Đây có thể coi là một mô hình khoa học, áp dụng theo công nghệ mới của các nước tiên tiến về xử lý môi trường. Viêc hoàn thành đầu tư và đưa vào vận hành nhà máy đạt yêu cầu sẽ góp phần tích cực để Đà Nẵng đạt tiêu chí về “thành phố môi trường” vào năm 2020, đồng thời góp phần đảm bảo tiêu chí môi trường trong chương trình “nông thôn mới” của thành phố.”
Lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng cũng mong muốn và kỳ vọng trong thời gian tới, mô hình công nghệ xử lý chất thải rắn theo công nghệ tiên tiến này này sẽ được nhân rộng ở nhiều địa phương khác.
Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn được xây dựng trên tổng diện tích 10 ha tại thôn Khánh Sơn, phường Hoà Khánh Nam với tổng số vốn đầu tư gần 900 tỷ đồng. Dự án chia làm 2 giai đoạn, đến nay đã hoàn thành gia đoạn 1 và tiến tới sẽ hoàn thành giai đoạn 2 vào năm 2016. Giai đoạn 1 được hoàn thành với tổng số vốn 400 tỷ đồng, trong giai đoạn này, nhà máy có công suất xử lý 200 tấn rác/ ngày. Dự kiến khi giai đoạn 2 đi vào hoàn thành, công suất xử lý sẽ lên đến 700 tấn rác/ngày.