“Đại gia” đầu tư hạ tầng khu công nghiệp lặng lẽ thu tiền

Báo cáo tài chính 9 tháng năm 2016 của Viglacera cho biết, đơn vị này đã hoàn hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế cả năm 2016 với mức lợi nhuận là 454,9 tỷ đồng. Mảng doanh thu lớn nhất của Viglacera vẫn đến từ kinh doanh vật liệu xây dựng, nhưng hợp đồng cho thuê khu công nghiệp mới là lĩnh vực kinh doanh có lợi nhuận biên cao vượt trội. Trong khi việc kinh doanh vật liệu xây dựng như sứ, sen, vòi và gạch ốp lát chỉ mang lại lợi nhuận cho Viglacera từ 25,9% đến 28,5%, thì các hợp đồng cho thuê khu công nghiệp mang lại lợi nhuận cho Viglacera là 38,5%.
 
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Viglacera, đây là lý do vì sao kế hoạch kinh doanh 2016 - 2020, Viglacera dự kiến rót nhiều ngàn tỷ đồng vốn đầu tư để xây mới và mở rộng các khu công nghiệp như: Khu công nghiệp Yên Phong I mở rộng (tỉnh Bắc Ninh) 314 ha; Khu công nghiệp Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) 446 ha; Khu công nghiệp Cẩm Khê (tỉnh Phú Thọ) 450 ha; Khu công nghiệp Đồng Văn 4 (tỉnh Hà Nam) 300 ha; Khu công nghiệp Phú Hà (tỉnh Phú Thọ) 250 ha; Khu công nghiệp Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) 284 ha… Viglacera hiện cũng là chủ đầu tư các dự án khu công nghiệp như: Khu công nghiệp Tiên Sơn, Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh); Khu công nghiệp Hải Yên, Đông Mai (tỉnh Quảng Ninh)… với tổng diện tích hơn 2.000 ha.
 
“Việc nhà đầu tư nhiều quốc gia lựa chọn mở rộng sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam mang đến nhu cầu lớn về đất làm hạ tầng khu công nghiệp. Sau khi các hiệp định thương mại tự do như VKFTA, EFTA, EVFTA có hiệu lực… nhu cầu này sẽ còn cao hơn nữa”, ông Nguyễn Anh Tuấn nhận định.
 
Thực tế, từ cuối 2015, hạ tầng khu công nghiệp và nhà xưởng đã được giới đầu tư cả trong và ngoài nước đặc biệt chú trọng. Báo cáo bất động sản công nghiệp của bộ phận nghiên cứu và tư vấn, Công ty TNHH Savills Việt Nam vừa cho biết, trong nửa đầu năm 2016, cả nước đã có thêm 6 khu công nghiệp mới được thành lập, cung cấp 700 ha diện tích cho thuê. Tổng diện tích của 218 khu công nghiệp tập trung chủ yếu ở hai vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc và miền Nam Việt Nam đạt 59.700 ha và diện tích cho thuê xấp xỉ 41.000 ha.
 
Minh họa cho sức hấp dẫn từ những khu công nghiệp đô thị, ông Troy Griffiths, Phó giám đốc điều hành Savills Việt Nam lấy ví dụ của Tập đoàn Sembcorp Industries với Dự án Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) đã có 20 năm hoạt động ở Việt Nam. VSIP hiện diện ở 6 tỉnh, thành phố trên khắp Việt Nam, được đầu tư kết cấu hạ tầng hiện đại, hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn quốc tế, là lựa chọn của rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài khi đặt chân vào Việt Nam. Đến nay, VSIP đã thu hút được 9 tỷ USD vốn đầu tư từ hơn 600 doanh nghiệp thuộc 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.
 
“Thực tế cho thấy, không chỉ có những nhà đầu tư nước ngoài như VISP hưởng lợi từ làn sóng đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, những nhà đầu tư trong nước cũng thu hút một lượng lớn doanh nghiệp thuê đất làm nhà xưởng như trường hợp Khu công nghiệp Yên Phong của Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng Viglacera đã thu hút được 3 tỷ USD từ Samsung Display Việt Nam, hay Khu công nghiệp Đồng Văn 2 của Tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam (VID) cũng đang là điểm đến của các dự án triệu đô của các tập đoàn từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc”, ông Troy Griffiths nói và khuyến cáo thêm, nhà đầu tư hiện đánh giá cao việc kết nối nhà xưởng tại các khu công nghiệp với các trục giao thông chính, lưu thông vận chuyển hàng hóa thuận lợi. Tuy nhiên, để thu hút nhà đầu tư hơn nữa và tăng tỷ lệ lấp đầy trong các khu công nghiệp, các địa phương cũng cần tìm giải pháp để kích các khu đô thị nhà ở, thương mại, qua đó thu hút người dân về sinh sống.