Đầu tư ngoài ngành: Vào rồi mới thấy đắng
Với kiểu đầu tư phong trào, thiếu chuyên nghiệp đến nay nhiều khoản, nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp đã phải nhận trái đắng.
Đầu tư theo phong trào
Tháng 3/2006 Công ty đầu tư phát triển Giao thông vận tải (Tradico) thuộc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 khởi công xây dựng nhà máy sản xuất bột giấy Phương Nam với vốn đầu tư trên 2000 tỷ đồng.
Với một tỉnh còn thuần nông như Long An và trên vùng Đồng Tháp Muời nhiều tiềm năng chưa được khai phá thì một nhà máy bột giấy hiện đại mọc lên là niềm vui lớn của người dân trong tỉnh. Chủ đầu tư dự án có kế hoạch chuyển 20.000 ha trồng lúa kém hiệu quả sang trồng đay nguyên liệu có hiệu quả cao hơn, góp phần giải quyết việc làm và thu nhập cao hơn cho 30.000 lao động trong tỉnh, tăng thu cho ngân sách địa phuơng, làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa của tỉnh.
Tại thời điểm đó một lãnh đạo Tổng công ty Giấy Việt Nam khi được hỏi về dự án, ông cho biết dự án có độ rủi ro rất cao. Bởi ngành giấy trong nước trước khi Việt Nam giá nhập AFTA và WTO được nhà nước “bao bọc” khá kỹ, với mức thuế 30 đến 40%, nhưng các công ty như giấy Đồng Nai cũng trong tình trạng rất khó khăn, các công ty giấy Tân Mai, Bãi Bằng cũng chật vật với giấy nhập khẩu. Đặc biệt việc triển khai phát triển vùng nguyên liệu lớn là rất phức tạp mà bài học không xa là nhà máy bột giấy Kon Tum công suất 130.000 tấn/năm đầu những năm 2000 đã được Chính phủ phê duyệt nhưng phải hủy bỏ.
Đúng như dự báo sau 2 lần dãn tiến độ, đẩy hàng ngàn tấn đay nguyên liệu mà nông dân trồng cung cấp cho nhà máy đến chỗ dở khóc dở cuời. Và trước khả năng chủ đầu tư không đảm đương nổi dự án, tháng 6/2009 chính phủ đã phải quyết định chuyển tòan bộ dự án cho Tổng công ty Giấy Việt Nam làm chủ đầu tư. Với một công ty ngành nghề kinh doanh chủ yếu xây dựng các công trình giao thông, xuất khẩu lao động…đầu tư vào một lĩnh vực hoàn toàn khác; lại lao ngay vào một đại dự án thì số phận của dự án như trên cũng là điều dễ hiểu.
Đầu tư ngoài ngành kể cả với các tên tuổi lớn, có tiềm lực, có thương hiệu cũng không dễ. Đó là trường hợp của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk đã bắt tay với SABMiller Asia BV (Hà Lan) là công ty con của SABMiller Vuơng quốc Anh để sản xuất, kinh doanh bia.
SABMiller là hãng bia lớn thứ 2 trên thế giới, hiện đang sở hữu 200 nhãn hiệu bia tại 60 quốc gia trên thế giới, sự kết hợp của hai đối tác lớn này làm người ta tin tưởng vào sự thành công.
Tháng 6/2006 công ty liên doanh đã khởi công xây dựng nhà máy bia có công suất 100 triệu lít/năm; đến tháng1/2007 cho ra sản phẩm với nhãn hiệu Zorok. Thế nhưng chỉ sau hơn hai năm kể từ khi ra đời sản phẩm, tháng 3/2009 Công ty CP Sữa Việt Nam đã chuyển toàn bộ phần vốn góp của mình để SABMiller trở thành nhà đầu tư 100% vốn nước ngoài.
Thông báo của Vinamilk nói lý do của việc chuyển nhượng toàn bộ vốn góp cho đối tác là để công ty tập trung hơn vào ngành sữa và nuớc giải khát nhằm phát huy thế mạnh và sở trường của công ty. Tuy nhiên theo các nguồn tin không công khai cho biết việc đầu tư vào lĩnh vực mới này của Vinamilk đã không mang lại hiệu quả như mong đợi.
Rút vốn ra trước khi quá muộn như Vinamilk cũng còn may; trường hợp của Tổng công ty CP Bia Rượu-NGK Sài Gòn (Sabeco) lại không suôn sẻ như vậy. Sabeco đã khá mạnh bạo đầu tư 900 tỷ đồng vào các lĩnh vực khác như đầu tư tài chính vào Quĩ đầu tư Việt Nam, mua cổ phần của ngân hàng Phương Đông, Ngân hàng Đông Á, chứng chỉ quỹ thành viên Việtcombank 3 và trở thành cổ đông chiến lược của ngân hàng này; và một số lĩnh vực khác như cơ sở hạ tầng, điện…
Cuộc suy thoái của thị trường chứng khoán vừa qua đã làm tất cả các khoản đầu tư của Sabeco đều bị lỗ. Tại thời điểm 31/12/2008 giá thị trường của các khoản đầu tư này đã thấp hơn vốn gốc là 285,169 tỷ đồng, trong đó khoản đầu tư vào Quỹ đầu tư Việt Nam chỉ còn ½.
Hiện Sabeco chấp nhận cắt lỗ, cơ cấu lại các khoản đầu tư trên. Song, quyết định việc điều chỉnh không còn là quyết định riêng của Sabeco nữa; với các khoản đầu tư vào Quỹ Đầu tư Việt Nam và Quỹ thành viên Vietcombank 3, theo điều lệ Sabeco khi muốn chuyển nhượng thì phải được sự đồng ý của các quỹ này.
Cần có cơ chế kiểm soát đầu tư ngoài ngành
Theo Kiểm toán Nhà nước hiện có 45 tập đoàn, tổng công ty nhà nước bỏ vốn đầu tư vào các lĩnh vực ngoài ngành, tập trung vào một số lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, bất động sản với số vốn nhiều ngàn tỷ đồng. Tuy tỷ lệ đầu tư ra ngoài ngành của các doanh nghiệp nhà nước so với tổng vốn đầu tư không lớn, nhưng theo các chuyên gia phần lớn các khoản đầu tư này tập trung ở thời kỳ “bong bóng chứng khoán và BĐS” nên có độ rủi ro khá cao.
Thực tế cho thấy các khoản đầu tư ngoài ngành của nhiều đơn vị đã làm phân tán, cạn kiệt nguồn lực về tài chính, nhân lực…cho việc đầu tư vào lĩnh vực chiến lược của mình; và trong nhiều trường hợp các khoản đầu tư này làm tình hình tài chính của doanh nghiệp đột ngột xấu đi mà Sabeco là một bài học. Một điểm nữa là đầu tư ra ngoài ngành lớn sẽ tạo ra các tập đoàn, tổng công ty kồng kềnh, trùng lắp, cạnh tranh nội bộ, quản trị kém.
Các chuyên gia cũng cảnh báo, ở bình diện rộng lớn hơn các tập đoàn, tổng công ty nhà nước với nhiều lợi thế, đầu tư nhiều sẽ làm hạn chế tính sáng tạo, năng động, các nguồn lực của các thành phần kinh tế khác và của cả xã hội; khi đó quyền lợi nhóm được bảo vệ chặt chẽ làm cho việc gia nhập thị trường của các thành phần khác mất đi cơ hội hoặc rất khó khăn. Như việc các tập đoàn, công ty thành lập ngân hàng rồi tài trợ cho các dự án nội bộ, thiếu sự kiểm soát minh bạch, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Trước làn sóng đầu tư ồ ạt vào các lĩnh vực chính của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã có nghị định 09 về quản lý tài chính của Công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác có hiệu lực từ ngày 25/3/2009; theo đó các doanh nghiệp nhà nước chỉ được đầu tư tối đa 30% tổng vốn đầu tư ra ngoài lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh chính. Việc siết lại các hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước ra ngoài lĩnh vực chính là cần thiết, song các chuyên gia cũng cảnh báo các khoản đầu tư này cũng cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ hơn, tránh rủi ro cho doanh nghiệp và nền kinh tế.